Gần 1 tháng trôi qua sau khi phán quyết “gây chấn động” của Tòa Hiến pháp Liên bang Đức để lại lỗ hổng trong dự thảo ngân sách năm 2024 của quốc gia Tây Âu.
Cuối cùng, hôm 13/12, liên minh cầm quyền ở Berlin đã vượt qua những rạn nứt nội bộ để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng ngân sách khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu chao đảo. Kế hoạch chi tiêu cho năm mới đã được đưa ra, bao gồm cắt giảm tài trợ cho các chương trình khí hậu, nhưng vẫn giữ nguyên cam kết viện trợ quân sự trực tiếp 8 tỷ euro (8,6 tỷ USD) cho Ukraine.
Kế hoạch ngân sách mới – đảm bảo sẽ tuân thủ các quy định của Hiến pháp Đức về việc không làm tăng thêm các khoản nợ mới – được đưa ra sau hơn 200 giờ đàm phán, bao gồm cả các cuộc đàm phán thâu đêm, giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh (Greens) của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner.
Khi liên minh “đèn giao thông” lên nắm quyền vào cuối năm 2021, họ đã tái phân bổ khoản tín dụng thời đại dịch Covid-19 trị giá 60 tỷ Euro (64 tỷ USD) chưa sử dụng cho các nỗ lực bảo vệ khí hậu. Tuy nhiên, hôm 15/11, Tòa Hiến pháp Liên bang Đức đã ra phán quyết cho rằng động thái trên là vi hiến. Phán quyết đã kích hoạt một loạt các cuộc đàm phán kéo dài giữa các thành viên của liên minh cầm quyền nhằm soạn thảo một ngân sách mới.
Chính phủ Đức không có ý định nộp đơn xin cấp lại khoản quỹ này. Thay vào đó, họ muốn kiểm soát chi tiêu công thậm chí nhiều hơn kế hoạch trước đó, trong khi vẫn không muốn bỏ lỡ việc hoàn thành các mục tiêu chính sách lớn của mình.
“Chúng tôi đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi trung hòa khí hậu của đất nước. Chúng tôi đang tăng cường sự gắn kết xã hội. Và chúng tôi đang sát cánh bên Ukraine trong cuộc chiến của nước này với Nga”, ông Scholz cho biết hôm 13/12. “Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta sẽ phải sử dụng ít tiền hơn đáng kể để đạt được những mục tiêu này”, ông nói thêm.
Được công bố chỉ vài ngày trước khi các nhà lập pháp đi nghỉ lễ, bắt đầu từ ngày 15/12, kế hoạch ngân sách mới bao gồm việc cắt giảm đối với một “quỹ đặc biệt” nhằm giúp các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động thân thiện với môi trường hơn.
Khoản trợ cấp đã cam kết cho liên doanh sản xuất chip mới giữa TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và các công ty chip châu Âu là NXP (Hà Lan) và Infineon và Bosch (Đức), sẽ được giữ nguyên.
Việc các khoản tài trợ cho ngành năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống sưởi trung hòa khí hậu và mua ô tô điện bị cắt giảm “khiến tôi đau lòng, nhưng đó là cái giá phải trả để giữ lại các thành phần quan trọng và trụ cột của quỹ biến đổi khí hậu”, ông Habeck cho biết.
Mặc dù có một số chỉ trích về thỏa thuận ngân sách từ các nhóm kinh doanh, nhưng nhiều người đồng ý rằng điều quan trọng là cuối cùng đã có ngân sách.
“Điều tốt và quan trọng là chính phủ liên bang đã đạt được thỏa thuận”, ông Bertram Kawlath, Phó Chủ tịch của hiệp hội kỹ sư cơ khí VDMA, cho biết trong một tuyên bố. “Những tuần bất ổn hiện đã qua, mở đường cho các khoản đầu tư quan trọng”.
Trong khi đó, ông Friedrich Merz, chủ tịch nhóm nghị sĩ đối lập CDU/CSU ở Quốc hội Đức (Bundestag), đã chỉ trích gay gắt dự thảo ngân sách mới của Chính phủ Đức, gọi đó là “một trò lừa đảo chính sách tài chính”.
Mặc dù vẫn cần các nhà lập pháp bỏ phiếu về kế hoạch này, nhưng dự kiến nó sẽ được thông qua vì liên minh của Thủ tướng Scholz đang chiếm đa số trong Bundestag.
Minh Đức (Theo DW, NY Times)