Số liệu sơ bộ từ Cục Thống kê Liên bang Đức công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm tại nước này đã tăng lên 2,8% trong tháng 12/2024, cao hơn đáng kể so với mức 2,4% của tháng 11/2024.
Kinh tế Đức lao đao vì lạm phát. (Nguồn: Forbes) |
Ông Joerg Kraemer, kinh tế trưởng tại Commerzbank nhận định: “Năm vừa qua kết thúc với tin tức không mấy dễ chịu về mặt lạm phát. Đây là vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
Nhà kinh tế này cũng dự đoán, lạm phát trong tháng 1 có khả năng vẫn ở mức cao do giá khí thải CO2 và dịch vụ bảo hiểm tăng.
Trong khi đó, ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING cảnh báo: “Niềm vui sớm trong mùa Hè về việc kiểm soát thành công lạm phát đã quá lạc quan”.
Trước đó, tháng 11/2024, ngành công nghiệp của Đức cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về đơn đặt hàng mới trong tháng 11/2024, giảm 5,4% so với tháng 10/2024 là 1,5%. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
* Ngày 8/1, Tập đoàn dầu khí OMV của Áo đã đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên từ dự án Neptun Deep của tập đoàn này ở Biển Đen cho công ty năng lượng Uniper của Đức, bắt đầu từ năm 2027.
Theo thỏa thuận kéo dài 5 năm, OMV sẽ cung cấp cho Uniper 15 terawatt giờ (TWh) khí đốt/năm từ dự án Neptun Deep.
Động thái chiến lược trên diễn ra trong bối cảnh châu Âu tìm cách thức mới để tăng cường an ninh năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, sau khi Moscow ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine liên quan đến xung đột với quốc gia Đông Âu này.
Tổng khối lượng hợp đồng chiếm khoảng 1,5% lượng khí đốt nhập khẩu của đầu tàu kinh tế châu Âu trong năm 2024 và sẽ là thỏa thuận đầu tiên hỗ trợ cho dự án khai thác mỏ khí đốt Neptun Deep được mong đợi từ lâu.
Mỏ Neptun Deep ước tính có trữ lượng 100 tỷ mét khối khí đốt có thể khai thác, trở thành một trong những mỏ khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của EU.
Nguồn: https://baoquocte.vn/duc-da-co-nguon-cung-khi-dot-moi-khong-phai-tu-nga-bong-ma-lam-phat-lai-deo-bam-berlin-300254.html