“Trung Quốc ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và là một đối thủ có hệ thống trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu”, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Đức Bettina Stark-Watzinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn được báo Mediengruppe Bayern đăng hôm 29.7, theo AFP.
Bà Stark-Watzingerca ngợi quyết định gần đây của Đại học Friedrich-Alexander (FAU) ở bang Bavaria của Đức, nơi thường xuyên hợp tác với ngành công nghiệp Đức trong các dự án nghiên cứu. Trường này giờ không còn chấp nhận sinh viên Trung Quốc đi học với nguồn tài chính duy nhất đến từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC), một cơ quan chính phủ.
Theo các tường thuật gần đây trên Deutsche Welle và nền tảng điều tra Correctiv, người nhận học bổng CSC phải ký vào cam kết trung thành với nhà nước Trung Quốc, nếu không có thể phải đối mặt với rắc rối pháp lý.
Theo Bộ trưởng Stark-Watzinger, quyết định của FAU được thúc đẩy bởi “việc nhận ra rằng quyền tự do quan điểm và tự do khoa học được quy định trong Luật Cơ bản của Đức không thể được thực hiện đầy đủ bởi những người nhận học bổng CSC do điều kiện của các học bổng đó, và ngoài ra, nguy cơ gián điệp khoa học cũng đang gia tăng”.
“Quyết định của FAU sẽ thúc đẩy các tổ chức khác xem xét lại các điều khoản hợp tác của họ với CSC”, bà nói.
Trung Quốc không lập tức bình luận về tuyên bố của bà Stark-Watzinger.
Vào giữa tháng 7, Đức đã công bố một chiến lược dài 64 trang để đối phó với một Trung Quốc “quyết đoán hơn”, khiến Bắc Kinh tức giận. Tài liệu, đề cập đến chính sách an ninh cũng như hợp tác kinh tế và khoa học, là sản phẩm của nhiều tháng tranh cãi trong chính phủ Đức về chiến lược của nước này đối với Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 27.7 viết trên mạng xã hội rằng Berlin đã “phản ứng với một Trung Quốc đã thay đổi và trở nên quyết đoán hơn”. Theo đó, chính phủ của ông muốn giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng.