Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ban đầu đưa ra ý tưởng này nhằm thu hút những người không phải người Đức nhập ngũ để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng.
Ý tưởng này của Bộ trưởng Pistorius cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp Đức, gồm cả từ đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đối lập. Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi về việc kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào.
Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, nói rằng bà đã hình dung ra việc mở cửa cho quân đội Đức tuyển mộ binh sĩ từ khắp các lục địa khác.
Bà cho biết các ứng cử viên ban đầu có thể đến từ EU cũng như các quốc gia như Vương quốc Anh, một cựu thành viên EU, cũng như Thụy Sĩ trung lập, nhưng cũng sẽ có phạm vi vượt ra ngoài các quốc gia này.
Bà Strack-Zimmermann nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DW: “Tôi nghĩ rằng châu Âu cần được xem xét sâu hơn, cụ thể là những người có thể sống ở các quốc gia châu Âu nhưng chưa thuộc Liên minh châu Âu nhưng có thể đang trong các cuộc đàm phán gia nhập khối”.
Bà Strack-Zimmermann kêu gọi các nhà lập pháp “suy nghĩ táo bạo hơn một chút, lớn hơn và mang tính chất châu Âu hơn”. Bà nói: “Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu có quân đội châu Âu về lâu dài”. Bà chỉ ra rằng quân đội Đức đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Pháp và Hà Lan.
Ngoài châu Âu, bà Strack-Zimmermann cho biết khả năng nhập ngũ vào quân đội Đức thậm chí có thể được “mở rộng sang NATO”, nhưng nói thêm rằng điều này sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính trị ở từng quốc gia thành viên như Mỹ và Canada.
Người phát ngôn của Bundeswehr nói rằng đề xuất này là một cuộc thảo luận cởi mở do Bộ trưởng Pistorius khởi xướng về tương lai của các lực lượng vũ trang. Người phát ngôn nói thêm: “Việc cho phép công dân EU phục vụ trong lực lượng vũ trang không phải là vấn đề mới”.
Bà Strack-Zimmermann lưu ý rằng việc cho phép những người thuộc các quốc tịch khác phục vụ trong Bundeswehr cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng không có quốc tịch Đức.
“Có hơn 10.000 người Hy Lạp sống ở Düsseldorf, rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba vẫn có hộ chiếu Hy Lạp, mặc dù họ đã ở Đức rất lâu”, bà Strack-Zimmermann cho biết.
Mai Vân (theo DW)