Chính phủ Đức phân bổ một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, song cũng tuyên bố, việc hỗ trợ Kiev trong tương lai chỉ khả thi nếu có quyết định phân bổ nguồn tài trợ riêng.
Đức 'bơm' lô vũ khí mới cho Ukraine, trong đó có tên lửa IRIS-T. (Nguồn: Defense Express) |
Hãng RIA Novosti đưa tin, gói viện trợ quân sự mới mà Đức dành cho Ukraine bao gồm 56 xe bọc thép MRAP, tên lửa IRIS-T SLM và IRIS-T SLS, cũng như 300 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công HF-1 cùng nhiều vũ khí khác.
Ngoài ra còn có 51 UAV trinh sát Vector cùng phụ tùng thay thế, 245 UAV trinh sát RQ-35 Heidrun, 29 UAV trinh sát Songbird, 14 UAV trinh sát Hornet XR, 2 xe rà phá bom mìn Wisent và phụ tùng thay thế, cũng như chăn len và băng gạc.
Berlin cũng gửi Kiev đạn dược cho xe tăng Leopard 1 và xe chiến đấu bộ binh Marder, 41.000 đơn vị đạn dược cho pháo phòng không tự hành Gepard, 4 pháo tự hành Zuzana 2, cũng như 50.000 quả đạn pháo 155 mm và 2.000 quả đạn pháo 122 mm.
Đức hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ukraine, sau Mỹ. Hồi đầu tháng 2 này, một phát ngôn viên nội các quốc gia Tây Âu cho biết, Berlin đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ trị giá gần 44 tỷ Euro (46 tỷ USD) kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, bên lề hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Paris ngày 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, sự hỗ trợ cần thiết và liên tục của nước này dành cho Ukraine chỉ có thể thực hiện được nếu chúng tôi thông qua một quyết định tài trợ riêng.
Kênh truyền hình Welt dẫn lời nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tài trợ cho mục đích này bằng cách cắt giảm ngân sách đất nước, cắt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay cắt giảm sự gắn kết xã hội đều sẽ thất bại và không được người dân chúng tôi ủng hộ".
Cũng liên quan Ukraine, ngày 17/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã nhóm họp để thảo luận về tình hình xung đột trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến mới.
Phát biểu tại phiên họp, Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách chính trị và kiến tạo hòa bình Miroslav Jenča tái khẳng định, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine cũng phải tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Cho rằng các nỗ lực ngoại giao cần tập trung vào việc đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài, LHQ khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan, hoan nghênh mọi nỗ lực và sáng kiến thật sự với sự tham gia đầy đủ của Ukraine và Nga để hướng tới mục tiêu hạ nhiệt xung đột và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này đối với dân thường.
Nguồn: https://baoquocte.vn/duc-bom-lo-vu-khi-moi-cho-ukraine-ra-dieu-kien-de-tiep-tuc-vien-tro-lhq-keu-goi-nen-hoa-binh-cong-bang-va-ben-vung-304739.html
Bình luận (0)