Góp phần lưu giữ và phát huy nghề truyền thống
Như thông lệ hàng ngày, anh Nguyễn Công Bổng (sinh năm 1990, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) có mặt tại điểm bán xôi vào khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi bắt gặp một chàng trai với đôi tay nhanh thoăn thoắt gói từng nắm xôi, khuôn tràn đầy sinh lực và miệng chào hỏi khách hàng liên tục.
Anh Bổng cho biết, cách nay hơn 11 năm, anh đã quyết định rẽ hướng sang chọn nghề nấu xôi bán hàng ngày theo truyền thống gia đình dù đã có việc làm từ ngành CNTT ổn định.
Theo anh Bổng, nghề nấu xôi tại làng Phú Thượng không biết đã có từ bao giờ, nhưng riêng nhà anh đã trải qua 4 đời, đến anh là đời thứ 5 cũng có gần 50 năm. Nghề nấu xôi tuy rất cực nhưng kết quả nhận lại rất đáng tự hào vì được khách hàng đón nhận nhiệt tình.
Xôi Phú Thượng đã vang danh gần xa, từ đó người nấu xôi trong làng luôn ý thức về chất lượng để mang tính cạnh tranh, góp phần lưu giữ nét truyền thống của làng.
“Hiện nay, xôi Phú Thượng đã có mặt ở nhiều nơi, không chỉ quanh quẩn trong Hà Nội, nên bản thân tôi đang ra sức nghiên cứu và tìm tòi học hỏi từ những sản phẩm truyền thống khác đã được xuất khẩu. Không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn giúp nét đẹp truyền thống của xôi Phú Thượng vươn ra thế giới”, anh Bổng cho biết thêm.
Món xôi Phú thượng có nhiều vị khác nhau, đó cũng chính là sự thay đổi bữa ăn sáng của bà Trần Kim Hoa ở Yên Hòa, Cầu Giấy. Bà Hoa cho biết, vị ngon, vị ngọt của xôi Phú Thượng khác hẳn với xôi của những nơi khác. Đặc biệt, vào buổi sáng khi mua xôi Phú Thượng về nhà và để đến chiều, tối vẫn không bị ôi thiu.
“Xã hội ngày càng phát triển, tôi hy vọng làng xôi Phú Thượng vẫn tiếp tục tồn tại và có những cách làm mới, để sản phẩm xôi vang tiếng một thời được lưu giữ mãi ngàn năm sau”, bà Hoa nói thêm.
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể vươn tầm thế giới
Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Thị Thùy Linh – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn phường hiện có khoảng 600 hộ nấu xôi, thời gian qua, UBND phường phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nấu xôi, đặc biệt là đối tượng thanh niên khởi nghiệp, phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Phối hợp với Công ty điện lực Tây Hồ cung cấp điện chỉ một mức giá hỗ trợ các hộ nấu xôi. Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nấu xôi từ các nghệ nhân của làng nghề tới các hộ nấu xôi trên địa bàn. Cung cấp miễn phí tem, nhãn mác, nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng.
“Ngoài thanh niên Bổng, các hộ nấu xôi trên địa bàn phường cũng ra sức nghiên cứu tìm mới phương thức xôi để có thể xuất khẩu ra nước ngoài”, bà Linh cho biết thêm.
Ông Trần Gia Hùng – Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, hiện tại trên địa bàn quận có 36 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao, riêng sản phẩm xôi Phú Thượng đã đạt 4 sao từ năm 2020.
Theo ông Hùng, là một sản phẩm đặc trưng của địa phương nên trong bất kỳ hoạt động, lễ hội nào diễn ra trên địa bàn quận cũng đều có sử dụng hoặc trưng bày sản phẩm xôi để giới thiệu đến nhiều người.
Năm 2024, xôi Phú Thượng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào của người dân Phú Thượng nói riêng, người dân Tây Hồ nói chung, đó cũng là trách nhiệm của mọi người cùng giữ gìn và phát huy.
“Hiện tại, Phòng kinh tế và phường Phú Thượng thường xuyên tổ chức đi học tập kinh nghiệm cũng như nghiên cứu để xôi Phú Thượng có sự đột phá mới nhưng giữ được nét truyền thống, từ đó thị trường tiêu thụ có thể vươn xa ra thế giới”, ông Hùng cho biết thêm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/dua-xoi-phu-thuong-vuon-tam-the-gioi-1377964.ldo