Chi hội nhiếp ảnh, thuộc Hội VHNT Tây Ninh trong chuyến đi sáng tác tại Ninh Thuận từ ngày 13-16.6.2023
UBND tỉnh vừa có kế hoạch phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Việc phát triển lĩnh vực VHNT tỉnh nhà với mục tiêu đưa các hoạt động này tiếp tục lên một bước mới. Xây dựng Hội VHNT tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một hội mạnh trong khu vực, qua đó làm nòng cốt để phát triển các hoạt động phong trào VHNT trong tỉnh.
Nhiều mục tiêu phát triển toàn diện
Với những định hướng và lộ trình cụ thể, UBND tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ quan và địa phương trong tỉnh đầu tư phát triển các hoạt động VHNT quần chúng. Phấn đấu đưa phong trào VHNT phát triển vững mạnh, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, sáng tác, phổ biến và quảng bá, lưu hành tác phẩm văn học nghệ thuật rộng rãi trong cả nước và vươn ra thế giới nhằm tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Tây Ninh đặc biệt là phát triển du lịch Tây Ninh.
Cùng với kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra nhiều mục tiêu như: duy trì và phát triển các chi hội chuyên ngành gồm Văn học, Văn nghệ dân gian, Âm nhạc và Múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu. Đến năm 2029 thành lập Chi hội Điện ảnh, Chi hội Lý luận phê bình.
Cùng với đó là duy trì và nâng cao chất lượng các Chi hội VHNT huyện Bến Cầu, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng. Thành lập Chi hội VHNT huyện Tân Châu và tại các địa phương khác khi có đủ điều kiện. Phấn đấu đến năm 2027 có 280-300 hội viên, trong đó có 60 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương.
Để đạt các mục tiêu, cột mốc quan trọng theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và cộng tác viên bằng các hoạt động như thường xuyên phát động các cuộc thi, vận động sáng tác các đề tài lực lượng vũ trang, ca ngợi truyền thống cách mạng; biên giới, biên phòng, biển, đảo; xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh đô thị, nét đẹp văn hoá gắn với cảnh quan thiên nhiên, con người và quê hương Tây Ninh.
Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và cộng tác viên bằng các hoạt động như thường xuyên phát động các cuộc thi, vận động sáng tác các đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; biên giới, biên phòng, biển, đảo; xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh đô thị… gắn với địa phương.
“Nâng cao giá trị, chất lượng Giải thưởng VHNT Xuân Hồng; vận động hội viên tham gia Giải thưởng Búa liềm vàng và Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Giải thưởng do Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương tổ chức; qua đó, động viên văn nghệ sĩ sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm VHNT có giá trị ở tất cả các chuyên ngành”- UBND tỉnh yêu cầu.
Chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, các trại sáng tác, đợt thực tế sáng tác về văn học nghệ thuật của tỉnh. Hằng năm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam cấp tỉnh, phong phú, hấp dẫn, giàu bản văn hoá của vùng đất cách mạng miền Nam và biên giới.
Đối với nguồn nhân lực thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn cho các chi hội chuyên ngành, chi hội huyện, thị. Phối hợp với các chi hội chuyên ngành Trung ương tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày Âm nhạc Việt Nam, Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam, Ngày Mỹ thuật Việt Nam… Chú ý phối hợp với các ngành, các cấp phát triển phong trào sáng tác trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… tạo nên những giá trị tinh thần ngày càng phong phú.
Nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ, đổi mới trang thông tin điện tử
Một nhiệm vụ quan trọng được đề ra là nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, mở rộng phát hành Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh và nâng cao chất lượng website Hội, nâng cấp thành Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh điện tử (năm 2029). Phấn đấu đến năm 2030 xuất bản Tạp chí Văn nghệ hằng tháng (12 số/năm), số lượng 500 quyển/số…
Cải tiến tổ chức và nâng cao chất lượng của tạp chí về hình thức, nội dung nhằm theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của công chúng; phản ánh rộng và sâu sắc công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển mọi mặt của tỉnh nhà qua các loại hình văn học nghệ thuật, từ đó nâng cao vai trò, khẳng định vị trí, tiếng nói, diễn đàn văn nghệ sĩ Tây Ninh trong khu vực. Chú trọng các bài viết về vùng đất, con người Tây Ninh xưa và nay, tạo bản sắc riêng của văn học, nghệ thuật vùng đất cách mạng miền Nam và biên giới Tây Nam.
Cải tiến và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh. Phấn đấu đến năm 2030 tần suất xuất bản và phát hành là hằng tháng với 500 quyển/mỗi kỳ, mở rộng diện phát hành đến với tất cả hội viên và một số các đơn vị lực lượng vũ trang các công ty, xí nghiệp, trường học…
Một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay là chuyển đổi số, UBND tỉnh lưu ý Hội VHNT cũng như các đơn vị có liên quan phối hợp nâng cấp thành Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh điện tử, giới thiệu về các lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật của tỉnh, tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị, cập nhật thông tin, giới thiệu những sáng tác mới của hội viên, góp phần tạo nên kho dữ liệu về văn học nghệ thuật của tỉnh giúp cho công tác tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này được thuận tiện.
“Không ngừng cải tiến nội dung, mở rộng phạm vi tuyên truyền, có giao diện phù hợp, bảo đảm cho người truy cập được tiếp cận với các tác phẩm VHNT thuận tiện nhất. Đồng thời mở rộng liên kết với các trang báo điện tử, website khác để nguồn dữ liệu thêm phong phú”- UBND tỉnh yêu cầu thêm.
Đức An