(CLO) Với chủ đề “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng?”, buổi tọa đàm do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa và nghệ sĩ.
Tại sự kiện được tổ chức tại TP. HCM ngày 22/11, những ý kiến tâm huyết được chia sẻ đã gợi mở nhiều giải pháp thực tiễn để đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình (Hội Sân khấu TP.HCM), mở đầu với nhận định về sự chuyển mình trong cách quảng bá các tác phẩm sân khấu.
Ông chia sẻ: “Chỉ cách đây vài năm, sân khấu chỉ quen thuộc với pano, áp phích treo trên phố. Ngày nay, mạng xã hội và các nền tảng số đã thay đổi hoàn toàn. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều bán vé trực tuyến, kết hợp với nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Nghệ sĩ cũng tổ chức các buổi livestream trên fanpage, trò chuyện trực tiếp với khán giả về những vai diễn sắp hóa thân. Nhiều sân khấu còn mạnh dạn số hóa dữ liệu các vở diễn, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận tác phẩm mới. Đây là cách làm cần được nhân rộng”.
Nhấn mạnh vai trò của việc quảng bá, ông Lê Nguyên Hiều (Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM) nói: “VHNT cần được nhìn nhận như một loại hàng hóa cao cấp. Mà đã là hàng hóa thì phải có mua, có bán. Nhưng quan trọng hơn, muốn bán được thì phải biết quảng bá. Một tác phẩm dù hay đến mấy mà không ai biết đến thì cũng không có giá trị. Vì thế, tôi đề nghị văn nghệ sĩ cần phối hợp chặt chẽ với giới truyền thông để tiếp sức cho các tác phẩm đến được với công chúng”.
Nhà lý luận phê bình phim Nguyễn Thị Thúy Nga đặt ra một tiêu chuẩn quan trọng: chất lượng phải là yếu tố hàng đầu. Bà thẳng thắn: “Đã qua rồi thời mà sự hấp dẫn đồng nghĩa với hút khách bằng mọi giá hay câu khách rẻ tiền. Một bộ phim hấp dẫn cần được đầu tư nghiêm túc, từ tư duy đến trình độ tay nghề cao của nghệ sĩ”.
“Khi một bộ phim đến được với đông đảo công chúng, đó mới là hành trình hoàn chỉnh của tác phẩm từ sáng tác đến thưởng thức. Mỗi bộ phim cần có công chúng riêng, và sự hấp dẫn chính là thước đo giá trị, cũng như tính phổ quát của chủ đề mà tác phẩm mang lại”, nhà lý luận nhấn mạnh.
Để phát triển VHNT bền vững, thạc sĩ Đoàn Phúc Linh Tâm đề xuất xây dựng các chương trình kết nối nghệ sĩ với trường học. Ông gợi ý rằng, những buổi giao lưu hoặc giảng dạy của nghệ sĩ tại trường học không chỉ giúp học sinh tiếp cận thực tế với nghệ thuật mà còn khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Đây là cách làm hiệu quả để tạo nên sự kế thừa và phát triển lâu dài cho VHNT.
Tham dự buổi tọa đàm, Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Hội Nhà văn TP.HCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá tác phẩm.
Bà phân tích: “Việc phát hành ebook, audiobook trên các nền tảng như Kindle, Apple Books, Spotify hay Audible giúp tác phẩm tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn, vượt qua rào cản không gian và thời gian. Thêm vào đó, truyền thông số và mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực để quảng bá, xây dựng cộng đồng độc giả trung thành cho tác giả và nghệ sĩ. Từ đó, giá trị văn hóa và tinh thần mà tác phẩm mang lại sẽ được lan tỏa sâu rộng”.
Buổi tọa đàm không chỉ khơi gợi những giải pháp sáng tạo, mà còn tạo cơ hội để các nghệ sĩ, nhà quản lý và giới nghiên cứu tìm ra hướng đi mới nhằm gắn kết VHNT với đời sống hiện đại, mở rộng cánh cửa đưa nghệ thuật đến gần hơn với mọi tầng lớp công chúng.
Thanh Long
Nguồn: https://www.congluan.vn/dua-van-hoc-nghe-thuat-den-gan-cong-chung-trong-thoi-dai-so-post322510.html