Lấy câu chuyện xưa để nói chuyện thời luận hôm nay
Để tạo nên tác phẩm “Từ Diên Hồng đến Tân Trào” chỉ dài 24 phút nhưng nhóm tác giả Phùng Việt Anh, Phạm Vân Thêu, Nguyễn Việt Hùng, Trần Văn Doanh, Nguyễn Hữu Phụng, Trần Hoài Nam, Vũ Lê Duy, Nguyễn Văn Thắng – Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội nhân dân đã mất khoảng thời gian dài để tiến hành khảo sát, xây dựng kịch bản, tổ chức ghi hình và làm hậu kỳ. Đối với nhà báo, đạo diễn Phùng Việt Anh – Trưởng phòng Phóng sự – Phim tài liệu đây không chỉ là nhiệm vụ công việc được giao, đó còn là niềm đam mê, niềm vui, là trách nhiệm nhưng cũng đầy tự hào.
Làm phim tài liệu đã khó, làm phim về nhiều thời kỳ, những giai đoạn hào hùng lịch sử của dân tộc càng khó hơn. Tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu triển khai anh được lãnh đạo đơn vị thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người làm phim, luôn tạo điều kiện cho ê-kíp thực hiện sản xuất phim. Từ sự quan tâm đó, mỗi thành viên trong ê-kíp đều đồng lòng, quyết tâm dù vẫn biết là sẽ có nhiều thách thức ở phía trước. Khó khăn là như vậy, nhưng cả nhóm luôn hiểu rằng, mỗi dấu mốc thời gian là mỗi trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam. Nơi di tích Hoàng Thành Thăng Long rêu phong, sừng sững gợi nhiều cảm thức về tinh thần Diên Hồng thời Trần. Vẫn còn đó những bức tranh mô tả Hội nghị Diên Hồng thời Trần, các di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử ở nhiều tỉnh còn khá nguyên vẹn, tạo cảm hứng sáng tác cho đoàn làm phim. Đặc biệt, khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Cách mạng tháng 8/1945 nhiều hiện vật lịch sử còn khá nguyên vẹn, tạo điều kiện tốt cho thực hiện những cảnh quay… Tất cả tiếp thêm động lực cho đoàn làm phim dốc sức vượt qua khó khăn để cụ thể hóa ý đồ làm phim lấy câu chuyện xưa để nói chuyện thời luận hôm nay “Ôn cố tri tân”.
Ý tưởng của bộ phim là lấy tinh thần Diên Hồng thời Trần để nói về “Diên Hồng” thời đại Hồ Chí Minh ở Tân Trào… và tinh thần Diên Hồng trong các kỳ họp Quốc hội hôm nay, đặc biệt là những đồng thuận trong các quyết sách lớn diễn ra tại phòng Diên Hồng của nhà Quốc hội hôm nay ở Hà Nội. Đạo diễn Phùng Việt Anh chia sẻ: Ê-kíp cũng gặp khó khăn khi ghi hình về bối cảnh cuối năm 1284, thời điểm đó để thống nhất ý chí, tập hợp sức mạnh của toàn dân, nhà Trần đã tổ chức Hội nghị đặc biệt tại cung điện Diên Hồng trong Hoàng thành Thăng Long, nơi Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Đức vua Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị. Tổ chức họp các vị đại diện bô lão từ khắp các làng xã trên cả nước triệu tập về kinh đô để bàn về một quyết sách trước họa xâm lăng của giặc Nguyên Mông.
Tuy nhiên, là sự kiện đã diễn ra từ lâu, thật khó có thể diễn tả hết bằng hình ảnh hiện có ở Hoàng Thành Thăng Long và một số di tích lịch sử khác. Vậy nên, giải pháp làm đồ họa cho phim đã được sử dụng để thêm sự lựa chọn cho việc kể chuyện, diễn tả không khí ấy, bối cảnh ấy của quân, dân nhà Trần đoàn kết đánh giặc. Ê-kíp cũng quyết định dùng phương pháp phục dựng hình ảnh đức vua Trần Nhân Tông hoằng dương đạo pháp tại Yên Tử. Dù là phục dựng một trường đoạn dài trong phim nhưng những cảnh quay cẩn trọng, tỷ mỷ, chân thực, đầy cảm xúc đã phục vụ được ý đồ của người làm phim, không tạo cho người xem cảm giác sắp đặt. Đây cũng là trường đoạn ê-kíp làm phim rất đầu tư, từ diễn viên đóng vai Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho đến huy động các thiết bị ghi hình hiện đại, cùng với đó là các thiết bị ánh sáng, đạo cụ, khói lửa, phục trang phù hợp, với bối cảnh, với nhân vật trong phim.
Hầu hết nơi diễn ra các cảnh quay trong phim có địa hình núi non hiểm trở, rộng lớn. Là nơi vừa tạo cảm hứng cho sáng tác, nhưng cũng là thách thức lớn cho đoàn làm phim khi phải hành quân đường bộ, vận chuyển hàng tạ thiết bị khác nhau.
Đoàn làm phim chọn hai di tích Quốc gia đặc biệt – nơi lưu giữ những di tích, di chỉ, hiện vật hòa trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hùng tráng, sử thi “Yên Tử” và “Tân Trào” để thực hiện đa số những cảnh quay có chiều sâu, có hồn cốt. Bố cục và mạch phim kết nối xưa, nay cũng là một thách thức; cân bằng giữa hình ảnh lịch sử và những người tham gia sự kiện, nhân chứng lịch sử, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quân sự… Ê-kíp phải sử dụng nhiều thủ pháp để giải quyết hợp lý việc chuyển bối cảnh, chuyển sự kiện, vấn đề, nhân vật phim một cách uyển chuyển, hài hòa, không khiên cưỡng, giữ được tính chân thực của phim tài liệu…
Đổi mới cách kể chuyện, dám đi vào đề tài khó
Phim lấy cảm hứng từ chùa Đồng – Yên Tử, ẩn bên trong thông điệp của người xưa. Chữ “đồng” ở đây có ý nghĩa sâu xa là: đồng lòng, đồng sức, đồng ý, đồng chí, đồng minh, đồng tâm, đồng hành… Đó chính là tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, xen kẽ đó là những hình ảnh, những bước chân thiền hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên vùng non thiêng này.
Bên cạnh đó, những cảnh quay ở khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cũng được ê-kíp làm phim ghi hình cẩn thận, nghiêm ngắn, đặc biệt ở Đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của đất nước, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội, sự kiện làm xoay chuyển vận mệnh nước nhà, tạo tiền đề Cách mạng tháng Tám thành công. Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi như Hội nghị Diên hồng lần thứ 2 trong lịch sử nước ta, nơi hội tụ sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước. Từ mái đình Tân Trào, lời kêu gọi cứu quốc được phát đi tới hơn 20 triệu đồng bào cùng đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đưa đất nước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Nói về yếu tố làm nên một bộ phim tài liệu hấp dẫn, nhà báo Phùng Việt Anh cho rằng: “Cần phải khai thác được mối quan hệ của: “Con người, sự kiện, và vấn đề”. Người làm phim tài liệu luôn cần bám nắm 3 nội dung căn cốt ấy. Bên cạnh đó, khả năng sáng tạo, sẵn sàng dấn thân vào các đề tài nóng trong cuộc sống của người làm phim tài liệu cũng rất quan trọng. Người làm phim tài liệu phải đến gần hơn với khán giả bằng cách đa dạng hóa đề tài, nội dung, bám sát hơi thở của cuộc sống, của nhân loại… cần tìm tòi, đổi mới cách kể chuyện, dám đi vào đề tài khó, gai góc, tôn trọng sự thật với góc nhìn đa chiều từ cuộc sống, nhiều khi hãy để cuộc sống lên tiếng một cách tự nhiên; đặc biệt, người làm phim phải đồng cảm với nhân vật… từ đó giúp khán giả tiếp cận sự thật cuộc sống một cách sâu sắc, toàn diện”.
Giống như “Từ Diên Hồng đến Tân Trào”, hiện nay nhiều tác phẩm được nhà báo Phùng Việt Anh và các đồng nghiệp đã, đang thể hiện đa dạng, hấp dẫn, để mỗi một bộ phim vừa phải thể hiện được nền tảng tri thức nghiêm túc, có chiều sâu. Bên cạnh đó phải kết hợp yếu tố công nghệ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và nghệ thuật, làm mới mình từng ngày để bám vào dòng chảy xã hội, đồng hành với cuộc sống muôn màu…
Có thể nói, phim tài liệu “Từ Diên Hồng đến Tân Trào” đã truyền tải được tư tưởng đại đoàn kết dân tộc thể hiện rực rỡ thời Trần với Hội nghị Diên Hồng, trong thời đại Hồ Chí Minh với Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào, được kế thừa và phát huy trong thời đại hôm nay và mai sau. Tất cả đã tạo thành cội nguồn văn hóa, thành giá trị cốt lõi làm nên mọi thành công, thắng lợi cho Tổ quốc… tạo thành hệ giá trị văn hóa Việt Nam.
Lê Tâm