NDO – Trong khuôn khổ Tọa đàm “Khởi đầu địa phương, tư duy toàn cầu”, do Trường Đại học Văn Lang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/11, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế về phương thức khởi nghiệp với hàng nghìn sinh viên.
Khởi nghiệp là một hành trình đầy cam go, nhiều nghiên cứu cho thấy trong 5 năm đầu, có hơn 95% số doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu phải đóng cửa vì nhiều lý do.
Để tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị hành trang vững chắc trong lĩnh vực khởi nghiệp, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tọa đàm “Khởi nghiệp – Khởi đầu địa phương, Tư duy toàn cầu” nhằm tạo cơ hội để các bạn trẻ giao lưu với những chuyên gia thành công, lãnh đạo công ty danh tiếng.
Từ đó, sinh viên có nhu cầu khởi nghiệp sẽ tiếp cận được những kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm quý giá và quan trọng hơn cả là rút ra bài học thực tiễn, ý nghĩa cho hành trình trước mắt.
Đông đảo bạn trẻ tới tham gia tọa đàm. |
Chia sẻ với hàng nghìn sinh viên tại Tọa đàm, CEO Hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English Lê Đình Lực hồi tưởng: “Tôi xuất thân là cựu học sinh chuyên toán, nhưng lại chuyển hướng để quyết tâm chinh phục “bài toán” học dở tiếng Anh của chính mình. Đến nay, từ một chàng trai “phố núi”, tôi đã có trong tay mô hình startup là phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và hệ thống siêu công nghệ SuperLMS”.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Lê Đình Lực đã có 1 quyết định khiến ai cũng “lắc đầu” là từ chối suất học bổng tiến sĩ tại Australia vào năm 2017 để kiên trì phát triển “đứa con tinh thần” là lớp dạy thêm tiếng Anh với phương pháp Linearthinking độc đáo do chính mình sáng tạo nên. Hiện, trung tâm của anh đã có tới 18 cơ sở ở khắp mọi miền đất nước và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng mô hình ra thị trường quốc tế.
Theo anh Lê Đình Lực, để sẵn sàng thử sức với thị trường toàn cầu, các startup Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech), cần chuẩn bị những lợi thế cạnh tranh thiết yếu.
Trong đó, cần ưu tiên hàng đầu là lợi thế về sản phẩm. Các startup mảng edtech cần đầu tư sâu vào nội dung, xây dựng phương pháp giảng dạy độc đáo và hiệu quả, cộng thêm đội ngũ giáo viên đủ chuyên môn để truyền tải các phương pháp này một cách tối ưu.
Anh Lê Đình Lực chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. |
Yếu tố thứ hai mà các startup cần trong thời đại hiện nay là công nghệ. Khi sản phẩm tiến vào thị trường quốc tế, sản phẩm công nghệ cần có sự khác biệt và sáng tạo so với các đối thủ cùng ngành.
Các thách thức về marketing, truyền thông, bán hàng, pháp lý, vận hành… ở thị trường nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, nếu có thể tận dụng ưu thế về chất lượng sản phẩm, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên…, các startup edtech Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh công bằng, hiệu quả.
Nguồn: https://nhandan.vn/dua-startup-cong-nghe-giao-duc-viet-tiep-can-thi-truong-quoc-te-post842852.html