Chương trình OCOP giúp HTX hoàn thiện các khâu của chuỗi sản xuất một cách khoa học, hiệu quả, từng bước đưa sản phẩm Tuyết Sơn Trà đến người dùng trong nước và quốc tế.
Suối Giàng là nơi có hàng vạn cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Thanh Tiến.
Xây dựng thương hiệu Tuyết Sơn Trà
Trong không gian mờ sương của vùng núi Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nơi những đồi chè xanh mướt ôm ấp lấy chân núi, bà Lâm Thị Kim Thoa đã dành cả thanh xuân để đưa hương vị chè Shan tuyết nổi tiếng ra thế giới. Bà Thoa là một người phụ nữ mạnh mẽ, đầy quyết tâm và khát vọng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà cùng với người dân bản địa đã giúp chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà từng bước vươn xa ra thị trường quốc tế.
Vùng chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng có diện tích khoảng 400 ha, trong đó diện tích mọc tự nhiên hơn 300 ha với hơn 4 vạn cây từ 100 – 500 năm tuổi. Với thời tiết 9/12 tháng trong năm được bao phủ bởi sương mù, độ ẩm cao nên búp chè được ngậm sương, tắm nắng, được bao phủ lớp lông tơ mỏng mịn như nhung, trắng như tuyết. Một năm, chè Shan tuyết cho thu hoạch 3 vụ chính gồm: vụ xuân, vụ hè và vụ thu đông.
Bà Thoa kể lại, bà có duyên gắn bó với vùng đất này từ khi kết hôn và theo chồng về làm dâu ở Suối Giàng. Những năm đầu sống tại đây, bà chứng kiến sự khó khăn của bà con nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm chè. Mặc dù chè Shan tuyết Suối Giàng đã nổi tiếng trong nước, nhưng sản phẩm chè của bà con chủ yếu được bán dưới dạng thô, giá trị không cao và chưa có thương hiệu.
Chính từ những trăn trở đó, bà Thoa quyết định bắt tay vào xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng với niềm tin có thể đưa sản phẩm trà vươn xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà cung cấp ra thế giới. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của bà không hề dễ dàng bởi những khó khăn về vốn, công nghệ sản xuất, cũng như việc thuyết phục người dân thay đổi thói quen sản xuất thủ công.
Bà Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ, năm 2007 HTX Suối Giàng ra đời, bước đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi không có nguồn lực về tài chính, không nhân lực về kỹ thuật sản xuất chế biến chè, không có mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, trụ sở giao dịch và thiếu kinh nghiệm quản lý. Vì vậy các thành viên HTX đề ra mục tiêu “4 quyết” (quyết lấy lại thương hiệu cho vùng chè Suối Giàng, xây dựng đội ngũ lao động là người bản địa, giữ gìn và bảo vệ vùng chè quý và quyết không lùi bước).
Được sự đồng lòng của tất cả thành viên trong việc góp đất, góp công để tạo dựng trụ sở, nhà xưởng. HTX đã từng bước xây dựng thương hiệu “Tuyết Sơn Trà”. Ban đầu, HTX chú trọng sản xuất sản phẩm trà xanh “Diệp trà”, đây là loại trà mà đa số người uống trà Việt sử dụng. Sau đó, để thích ứng với thị trường trà rộng hơn và ước mơ xuất khẩu ra nước ngoài, HTX đã sản xuất Hồng trà, Hoàng trà và Bạch trà. Các sản phẩm luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, chú trọng khâu sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết hợp với thiết kế mẫu mã sản phẩm hấp dẫn để tạo thương hiệu.
Xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao để tạo đà xuất khẩu
Sau hơn chục năm sản xuất, chế biến với máy móc, thiết bị thô sơ, nhà xưởng chưa đáp ứng tiêu chuẩn, sản phẩm đơn điệu, năm 2018, HTX đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng khang trang, đầu tư thiết bị hiện đại với công suất sản xuất lên 2.000 kg chè búp tươi/ngày. HTX còn liên kết với một số chuyên gia trong ngành chè đào tạo thành viên, người lao động quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Nhờ đó, đến nay HTX đã là một trong những đơn vị có đội ngũ lao động lành nghề trong sản xuất, chế biến chè. Hệ thống nhà xưởng đã đạt tiêu chuẩn HACCP, vùng nguyên liệu đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, cây chè đã được đánh số truy xuất nguồn gốc vùng trồng, một số sản phẩm Tuyết Sơn Trà đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Đến nay, HTX có 6 loại sản phẩm mang tên Tuyết Sơn Trà có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 400.000 đồng/kg, sản phẩm có giá cao nhất hơn 4 triệu đồng/kg.
Với 4 dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” đó là: Hồng trà, Hoàng trà, Diệp trà và Bạch trà; trong đó có 2 sản phẩm là Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết đảm bảo các tiêu chuẩn châu Âu, xuất khẩu sang thị trường Anh và Nhật Bản. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7- 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như một tia sáng, giúp HTX hoàn thiện, củng cố, khắc phục tất cả các khâu của chuỗi sản xuất kinh doanh một cách khoa học hơn, sát thực tế và hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng lên. Đến nay, sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao, hiện đang tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã để nâng cấp lên sản phẩm OCOP 5 sao, tạo đà cho việc xuất khẩu sản phẩm.
Mục tiêu của nữ giám đốc HTX là gia tăng doanh số, sản lượng sản phẩm trà “made in Việt Nam” xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Anh, Nhật, Mỹ. Từ đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, xây dựng thương hiệu vùng chè sạch để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương vốn nhiều đời gắn bó với cây chè cổ thụ.
Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, để hỗ trợ HTX, chính quyền xã phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của HTX không chỉ được yêu thích nhờ hương vị đặc biệt mà còn bởi những giá trị văn hóa và truyền thống của vùng đất này.
Ngoài ra, địa phương cũng tuyên truyền, khuyến cáo người dân chú trọng bảo vệ môi trường, mọi quy trình sản xuất chè đều phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp sản phẩm chè trở nên thân thiện với người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, tạo ra một mô hình sản xuất chè bền vững.
Thanh Tiến
nguồn: https://nongnghiep.vn/dua-san-pham-tra-made-in-viet-nam-ra-thi-truong-quoc-te-d410982.html