Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Tiền Giang đã góp phần tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, qua đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Một gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh Tiền Giang. |
Công ty TNHH một thành viên Trí Sơn ở xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho là doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ cũng như số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh Tiền Giang. Doanh nghiệp này có hơn 30 sản phẩm chế biến từ tổ yến được công nhận đạt chuẩn OCOP và tất cả sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 (chứng nhận đánh giá một doanh nghiệp/tổ chức áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp theo các điều khoản); HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm).
Thời gian qua, Công ty đã xây dựng và phát triển hệ thống trang trại nhà yến quy mô hơn 20.000 m2 với 30 nhà nuôi yến tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Công ty hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi, tạo nên chuỗi liên kết trải dài khắp các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ với hơn 100 nhà nuôi yến; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động.
Hiện nay, doanh nghiệp này đang thực hiện các thủ tục để đăng ký mã định danh nhà nuôi yến, nâng cấp nhà xưởng để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Công ty cũng phối hợp các trường đại học uy tín để chuyển giao công nghệ và đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tại huyện Gò Công Tây, Công ty TNHH Thiên Ân là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm OCOP ở địa phương này. Hiện, Công ty có 11 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và đang đầu tư 34 phòng nuôi nấm, mỗi ngày thu hoạch khoảng 45-50 kg nấm tươi. Từ nguồn nguyên liệu nấm thu hoạch, doanh nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau, như: Sấy khô, ngâm rượu, ngâm mật ong, nước uống, cháo, hạt nêm… Nhờ có hệ thống nhà xưởng rộng rãi cho nên quy trình sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói thành phẩm được khép kín, tuân thủ quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty đã cho ra đời sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt chuẩn về thành phần dược tính và vi sinh, với giá thành hợp lý…
Sau 5 năm thực hiện chương trình, tỉnh Tiền Giang hiện có 259 sản phẩm OCOP, trong đó, 160 sản phẩm hạng 3 sao, 99 sản phẩm hạng 4 sao với 119 chủ thể tham gia, gồm 39 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã, 59 cơ sở, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trong 259 sản phẩm, có 200 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 39 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Sở Công thương tỉnh chủ động phối hợp tổ chức Tuần lễ trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh; điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang tại Siêu thị Co.opmart và GO! Mỹ Tho; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại Công ty Trí Sơn; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Ngành công thương còn tổ chức nhiều phiên chợ OCOP và sản phẩm thương mại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang tại khuôn viên Trung tâm thương mại Vincom Plaza Mỹ Tho. Tiền Giang cũng tiến hành khảo sát thị trường, tìm hiểu và đánh giá tình hình tiêu thụ, cung ứng sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh để có sự điều chỉnh, nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, duy trì, nâng cao chất lượng; giới thiệu, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, rà soát những sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP..