Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Gia Lai góp phần tích cực trong việc hình thành hàng trăm sản phẩm đặc trưng của tỉnh. OCOP thực sự tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai. (Nguồn: ocopgialai.vn) |
Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cuối năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu tổng quát, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình OCOP tại Gia Lai đã góp phần tích cực trong việc hình thành hàng trăm sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thực sự tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt bốn sao và 267 sản phẩm đạt ba sao. Cụ thể, 286 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; tám sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 20 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; một sản phẩm thuộc nhóm vải may mặc; một sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Với 157 chủ thể có sản phẩm OCOP, gồm: 32 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 83 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh; có 93/220 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới có sản phẩm OCOP.
Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đều có địa chỉ và nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như: rau, củ, quả VietGAP, bò một nắng, hồ tiêu, rượu ghè, các loại thảo dược, thổ cẩm, các mặt hàng lưu niệm, đồ gỗ mỹ nghệ, ẩm thực du lịch nông thôn… Đây là những sản phẩm đặc trưng do người dân ở khu vực nông thôn sản xuất và đưa ra thị trường nhiều năm nay.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử như: sàn giao dịch thương mại điện tử Gia Lai (ocopgialai.vn), sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn), sàn thương mại điện tử của Công ty Bưu điện Việt Nam (postmart.vn), SmartGAP, KiotVIET, Sendo, Lazada, Shoppee, Tiki…
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngày 8/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 799/QĐ-BNN-VPĐP về việc phê duyệt danh mục mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Gia Lai được phê duyệt mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Huyện Kbang đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định.
Chương trình OCOP tại Gia Lai đã góp phần tích cực trong việc hình thành hàng trăm sản phẩm đặc trưng của tỉnh. (Nguồn: Tạp chí Kinh tế Nông thôn) |
Sản phẩm OCOP khẳng định giá trị
Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai khi tham gia giao thương hàng hóa, đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước. Ví dụ như rau, củ, quả VietGAP, cơm lam gà nướng (TP. Pleiku), măng khô, mật nhân, sâm cau (huyện Kbang), bò khô (huyện Đak Đoa), nấm linh chi (huyện Chư Pah), đồ gỗ mỹ nghệ… là các sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP từ ba sao trở lên trên địa bàn tỉnh là 395 sản phẩm, trong đó có từ 1-2 sản phẩm OCOP đạt năm sao. Duy trì, củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Tỉnh ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã; 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần vận dụng các cơ chế chính sách, nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm theo quy trình, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế như: Organic, GlobalGAP, GMP, VietGap… Xây dựng câu chuyện sản phẩm theo hướng gắn với địa danh, các yếu tố văn hóa tại địa phương và nêu bật lên sự khác lạ của sản phẩm.
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP tại Gia Lai đã và đang khai thác tối đa tiềm năng vùng miền, định hướng người dân vùng nông thôn hướng đến sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP hòa vào “biển lớn” của thị trường; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.