(CLO) Luôn mong muốn là đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động ở tỉnh, thành mình, nhiều cơ quan báo Đảng địa phương đã chủ động nhập cuộc để nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả quản trị nội dung, cải thiện chất lượng thông tin và thu hút công chúng.
Tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực
Cuộc cách mạng 4.0 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí diễn ra nhanh và mạnh. Nhiều cơ quan báo Đảng ở địa phương đã sớm xác định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để phát triển nên đã vào cuộc quyết liệt, bước đầu đạt những kết quả khá rõ nét.
Trong thời gian qua, Báo Thái Bình đã đưa vào áp dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp quá trình sáng tạo và trình bày nội dung. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sử dụng MC ảo thay thế MC thật vào sản xuất các chương trình video bản tin, giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực. Thể hiện được phong cách làm báo hiện đại – đa phương tiện, đa nền tảng.
Để có sự đồng bộ trong công tác quản trị, tạo sự phát triển bền vững cho hệ thống quản lý báo điện tử và báo in, Báo Thái Bình đã tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạnh dạn đầu tư hoàn thiện tòa soạn hội tụ, trong đó nâng cấp CMS hiện đại, giúp xử lý được các nghiệp vụ “một chạm”, tuần hoàn ngay trong cùng một hệ thống CMS.
Trong đó đã xây dựng hệ thống sever lưu trữ và truyền tải dữ liệu. Đồng thời thiết lập các tài khoản gửi và nhận dữ liệu cho phóng viên, cộng tác viên, các cơ quan cộng tác gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất, gửi và nhận được file có dung lượng lớn. Từ đó giúp cho việc khai thác dữ liệu thực hiện các tác phẩm được thuận tiện, hiệu quả.
Để từng bước ứng dụng AI vào các khâu trong quy trình hoạt động của tòa soạn, hàng năm, Báo Thái Bình đều có kế hoạch tập huấn nhằm gia tăng tỷ lệ phóng viên có thể sử dụng được công nghệ mới, ứng dụng AI, tác nghiệp đa phương tiện…
Hiện nay, trong một số bản tin truyền hình và phát thanh Báo Thái Bình đã sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (Voice AI) để xuất bản các sản phẩm thay vì phải chờ đợi bạn đọc từ phát thanh viên. Ngoài ra còn sử dụng ứng dụng AI để tối ưu hóa SEO, từ khóa cho bài viết…
Nhà báo Trần Thị Thoa, Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình cho biết: Tận dụng ưu thế công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0, Báo Thái Bình đã ứng dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho quá trình sản xuất tin, bài, đặc biệt là các tin bài đa phương tiện. Gần đây nhất, Báo Thái Bình điện tử đã ứng dụng công nghệ trường quay ảo (iSet3D), đây là công nghệ trường quay ảo hiện đại nhất hiện nay, làm thay đổi được các góc quay 3D, sử dụng công cụ AI mới để tạo ra các ý tưởng video giúp linh hoạt trong thay đổi cảnh trường quay, giảm bớt được nhân lực, thời gian và chi phí trong sản xuất chương trình.
Nhờ sử dụng hiệu quả công cụ trí tuệ nhân tạo, báo đã có thêm nhiều sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, giúp đưa thông tin nhanh chóng và chính xác đến mọi ngóc ngách trên môi trường số, qua đó giúp công chúng tiếp cận thông tin bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Biến những vấn đề chính trị – xã hội của báo Đảng địa phương tưởng chừng rất khô khan trở nên gần gũi, được đông đảo công chúng đón nhận.
Tạo không khí làm việc năng động, sáng tạo và đổi mới hơn
Nhiều năm trước đây, Báo Đắk Nông không có phát thanh viên chuyên nghiệp để thực hiện các chương trình, bản tin truyền hình phát tích hợp trên Báo Đắk Nông điện tử. Vì thế, thời điểm đó, phóng viên vừa phải viết tin, bài, vừa làm biên tập viên, vừa dẫn chương trình, lại vừa phải làm MC, thậm chí cả dựng hình. Có khi mất cả ngày trời đi tác nghiệp, phóng viên mới về tới tòa soạn để đọc tin, bài. Hệ quả là nhiều tin, bài bị giảm đi đáng kể độ nóng, độ hót của tính thời sự.
Trước bất cập này, Ban Biên tập Báo Đắk Nông đã quyết định triển khai ứng dụng AI với khả năng MC đọc tự động. Từ khi có MC ảo của ứng dụng AI, ngay sau khi có thông tin, bộ phận trực kỹ thuật đưa ngay bản text (nội dung tin, bài) cho AI đọc luôn, bảo đảm độ “mới nóng” của thông tin báo chí. MC ảo của AI có nhiều giọng đọc khác nhau từ giọng miền Nam, miền Trung cho đến miền Bắc để lựa chọn với khả năng làm việc bất kể ngày đêm, không một lời phàn nàn, kêu ca và không đòi hỏi quyền lợi nhưng quan trọng hơn hiệu quả công việc lại mang lại cao hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng MC ảo của AI, Báo Đắk Nông thời gian qua đã ứng dụng làm thay một số công việc mà trước đây phóng viên, biên tập viên khá vất vả như bóc băng sau khi đi phỏng vấn về, hay sử dụng AI để đọc lướt các tài liệu, văn bản dài, từ đó tóm lược ý chính để triển khai dàn ý cho tác phẩm báo chí. Ngoài ra, Báo Đắk Nông đã sử dụng AI trong làm đồ họa tự động để phục vụ nhanh cho các tác phẩm báo chí hiện đại như E-Magazine, Longform, đa phương tiện…
Công nghệ, trong đó có AI, giúp cơ quan báo chí, dù quy mô nhỏ như Báo Đắk Nông cũng có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại như bất cứ cơ quan báo chí nào khác. AI giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí… sản xuất tin, bài. Những tòa soạn, dù nhỏ, nguồn lực về con người, tài chính eo hẹp, nếu mạnh dạn ứng dụng sẽ có điều kiện để vươn lên, tạo thêm những giá trị cho chính những công việc của mình.
Nhà báo Vũ Ngọc Tú – Tổng Biên tập Báo Đắk Nông cho biết: “Chúng tôi tổ chức học tập về ứng dụng AI trong tòa soạn thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn… Ban biên tập mời những nhà báo có kinh nghiệm về ứng dụng AI về tập huấn cho toàn thể cơ quan. Một số ứng dụng tích hợp trong hệ thống quản trị nội dung (CMS), chúng tôi lập nhóm nhóm hỗ trợ (gồm những người thuộc đơn vị đối tác và viên chức trong cơ quan), rất nhiều khi “cầm tay chỉ việc”, có khi đến từng thao tác người dùng để “vỡ vạc” hoặc tránh bỡ ngỡ, sai sót. Khi toàn bộ cán bộ sử dụng AI, đã tạo nên không khí làm việc năng động, sáng tạo và đổi mới hơn”.
Thực tế cho thấy các báo Đảng ở nhiều địa phương, mặc dù có những cách tổ chức thực hiện ứng dụng AI khác nhau, nhưng đều có điểm chung dễ nhận thấy là họ tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí hơn. Từ đó đẩy nhanh được tiến độ sản xuất tin, bài. Nội dung được kiểm soát kỹ hơn, ít sai sót và hiệu quả thông tin tốt. Hình thức sản phẩm cũng tốt hơn nhờ ứng dụng về đồ họa, hình ảnh…
Thành công từ ứng dụng AI ở các báo Đảng địa phương đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của AI trong báo chí. Nếu năm 2024 được xem là thời điểm các cơ quan báo chí bắt đầu ứng dụng AI, thì năm 2025 có thể là giai đoạn tinh chỉnh và tối ưu hóa công nghệ này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cụ thể của từng tòa soạn.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-dang-dia-phuong-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-dua-san-pham-bao-dang-den-gan-hon-voi-cong-chung-post330322.html