Chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Quốc hội tạo xung lực mới, góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ Việt Nam-Singapore, Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tối 7/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng và Phu nhân, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.
Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất, tạo xung lực mới, góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ Việt Nam-Singapore, Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Thực hiện chương trình đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản từ ngày 1-7/12. Đây là chuyến thăm tới hai đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Đối với Singapore, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để sớm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Việt Nam và Singapore đều coi nhau là đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực, chia sẻ lợi ích và tầm nhìn chiến lược chung đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Đối với Nhật Bản, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn diễn ra ngay sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào cuối năm 2023 và đang tích cực triển khai nội hàm mối quan hệ này.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội ta sau 12 năm và đúng vào dịp kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Chủ tịch Quốc hội ta cũng là khách nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu sau khi ông tiếp tục được bầu giữ cương vị người đứng đầu Thượng viện Nhật Bản.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thành công rất tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất, tạo xung lực mới, góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ Việt Nam-Singapore, Việt Nam – Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
Lãnh đạo cấp cao của Singapore và Nhật Bản đều dành cho Chủ tịch Quốc hội ta và Phu nhân cùng Đoàn sự đón tiếp rất trọng thị, chân thành, gần gũi và nồng ấm, thể hiện sự tin cậy và mối quan hệ chính trị rất tốt đẹp giữa Việt Nam với Singapore và với Nhật Bản.
Đặc biệt, việc Chủ tịch Quốc hội nước ta thăm Singapore vào thời điểm hai nước nhất trí sẽ sớm nâng cấp quan hệ đã góp phần tạo xung lực, thúc đẩy các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước tích cực triển khai các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết.
Phóng viên: Kết quả chuyến thăm thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Với tổng cộng khoảng hơn 50 hoạt động của Chủ tịch Quốc hội ta và của các bộ, ngành, địa phương tham gia Đoàn, chuyến thăm Singapore và Nhật Bản đã đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện, trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Nhật Bản. Nội dung các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi cấp cao diễn ra thực chất, thân tình, thể hiện sự tin cậy chính trị cao.
Lãnh đạo cấp cao của Singapore và Nhật Bản đều đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội trên cương vị mới; khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru bày tỏ vui mừng khi Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp có các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản trong một tháng gần đây, thể hiện sự gắn bó, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và sẽ sớm trở thành nước phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu tin tưởng năm 2024 sẽ đánh dấu khởi đầu chặng đường hợp tác giữa hai nước trong 50 năm tới.
Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Singapore cùng nhận lời sang thăm Việt Nam trong năm 2025. Tổng thống và Thủ tướng Singapore đều trân trọng mời và bày tỏ mong muốn được đón Tổng Bí thư Tô Lâm sớm sang thăm Singapore vào thời điểm phù hợp, có thể ngay trong năm 2025 – thời điểm hai nước kỷ niệm những ngày lễ lớn, như Việt Nam kỷ niệm tròn 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 60 năm Quốc khánh Singapore.
Phóng viên: Trong tổng thể quan hệ song phương với Singapore và Nhật Bản, hợp tác kinh tế được xác định là trụ cột chính quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này trong khuôn khổ chuyến thăm?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Hai bên đều khẳng định thúc đẩy hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột chính trong quan hệ Việt Nam-Singapore và Việt Nam-Nhật Bản. Cùng với việc thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên còn nhất trí tăng cường liên kết kinh tế, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng chất lượng cao, đồng thời đề xuất phương hướng hợp tác trên các lĩnh vực mới, như giảm phát thải, bán dẫn, năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, nhằm cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn khuôn khổ hợp tác mới trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Với Singapore, một trong những điểm nhấn là thành công của 18 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại 13 tỉnh, thành của Việt Nam. Lãnh đạo bạn nhấn mạnh, thế hệ VSIP 2.0 sẽ không chỉ tăng về số lượng mà còn đạt chuẩn mới, như VSIP xanh, thông minh và bền vững.
Phía Singapore cũng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của việc thiết lập quan hệ Đối tác số-Đối tác xanh, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác hai nước trong các lĩnh vực tăng trưởng mới, như logistic xanh, trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tài chính xanh; mong muốn thúc đẩy hợp tác về liên kết, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh đây là những lĩnh vực Singapore ưu tiên và Việt Nam có tiềm năng với đội ngũ chuyên gia trẻ, tài năng.
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên đều đánh giá đây là lĩnh vực quan trọng, còn nhiều dư địa để thúc đẩy, tăng cường hợp tác. Cụ thể với Singapore là phát huy hơn nữa các cơ chế đối thoại, giao lưu hải, lục, không quân, hợp tác an ninh mạng, cứu hộ-cứu nạn, quân y, đẩy mạnh kết nối hàng hải, bảo vệ môi trường và sinh thái biển thông qua áp dụng các công nghệ mới.
Với Nhật Bản, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, trong đó có tăng cường hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu hộ cứu nạn…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu ký thoả thuận hợp tác. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phía Nhật Bản ủng hộ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, ODA, đầu tư, thương mại song phương, đồng thời cho biết Nhật Bản đang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng và rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển của kinh tế Việt Nam, kỳ vọng các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam; khẳng định tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế của Nhật Bản (Keidanren) kỳ vọng “Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam trong kỷ nguyên mới” được hai bên nhất trí khởi động vào tháng 3/2024 sẽ đạt nhiều thành quả, nhất là trong các lĩnh vực mới như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hàng đầu của Singapore và Nhật Bản đều bày tỏ sự quan tâm và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, như xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, năng lượng, bất động sản, thương mại, bán lẻ, đào tạo nhân lực, hợp tác lao động…
Về hợp tác ODA, Chủ tịch Quốc hội ta cảm ơn Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam trên các mặt kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua nguồn vốn ODA, đồng thời, mong muốn Nhật Bản tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ ODA thế hệ mới có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam và cung cấp ODA hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản tái khẳng định chủ trương nhất quán của Nhật Bản về hỗ trợ các nước tiếp nhận ODA, trong đó có Việt Nam, tiếp tục phát triển bền vững, ổn định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tokyu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Về hợp tác lao động, giao lưu nhân dân, tại cuộc hội đàm, hội kiến, Chủ tịch Quốc hội ta và lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản nhất trí tăng cường gắn kết đào tạo nguồn nhân lực thông qua thúc đẩy hợp tác lao động, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân.
Phía Nhật Bản đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản. Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga Fukushiro cam kết sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề, số lượng cho lao động Việt Nam; cải thiện môi trường sinh sống và làm việc thuận lợi, an sinh xã hội bình đẳng cho người Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời, mong muốn Việt Nam tiếp tục cử nhiều lao động sang Nhật Bản, hỗ trợ bạn ứng phó vấn đề già hóa dân số.
Phóng viên: Thúc đẩy hợp tác nghị viện là một trong những trọng tâm của chuyến thăm Singapore và Nhật Bản lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đều khẳng định Quốc hội/Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ song phương; nhất trí cùng nỗ lực cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản qua kênh nghị viện thông qua thúc đẩy hợp tác trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan chuyên môn, các nghị sĩ, nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ.
Cùng với đó là phát huy hơn nữa vai trò cầu nối quan trọng của Nhóm/Liên minh nghị sĩ hữu nghị trong thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương hai nước. Trong đó, việc Thượng viện Nhật Bản lần đầu tiên ký Thỏa thuận hợp tác với một Quốc hội nước ngoài là thành quả quan trọng của chuyến thăm, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các kết quả đã đạt được cũng như mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.
Để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Singapore, Chủ tịch Quốc hội ta và Lãnh đạo cấp cao của Singapore nhất trí và ủng hộ việc tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore ngày càng phát triển và sớm nâng lên một tầm cao mới, đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://nhandan.vn/dua-quan-he-viet-nam-voi-singapore-va-nhat-ban-phat-trien-ngay-cang-hieu-qua-post849328.html