Sản phẩm OCOP xuất ngoại
Với lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Chương trình OCOP Hậu Giang đang tạo ra “sân chơi” cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phát huy lợi thế của mình. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, uy tín không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Theo Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGAP, GlobalGAP, GMP… Cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm… Từ đó, tạo ra các sản phẩm vừa bảo đảm chất lượng, vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Năm 2024, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 – 4 sao OCOP cấp huyện, ít nhất một sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh.
Tiêu biểu như các sản phẩm từ cá thát lát của HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp. Vượt qua những khó khăn ban đầu, bằng sự nỗ lực của mình, hiện nay sản phẩm của HTX đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống các siêu thị Co.op Mart, đơn vị còn gia công sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Mỹ…
Bà Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết: Để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, tôi nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Để chuẩn cho việc phát triển trong tương lai, HTX sẽ mở rộng nhà xưởng, kho lạnh và vùng nguyên liệu… để đưa sản phẩm cá thát lát Hậu Giang vươn xa.
Không chỉ riêng HTX Kỳ Như, hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Winmart… Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã và đang được xuất khẩu sang các thị trường EU, Hongkong; sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan…
Tích cực lo giải quyết đầu ra sản phẩm
Không chỉ chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh còn chú trọng việc sản xuất, tạo ra các nhãn mác, bao bì đẹp, chất lượng. Để nâng cao giá trị và lan tỏa sản phẩm OCOP, tỉnh Hậu Giang xác định sẽ tập trung hình thành những trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP, hướng tới mỗi địa phương xây dựng một trung tâm bán sản phẩm OCOP.
Các chủ thể OCOP dựa trên nền tảng này sẽ phân phối bán hàng, giải quyết được đầu ra – gỡ “nút thắt” lớn nhất trong sản phẩm OCOP hiện nay. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả phát triển các sản phẩm OCOP và tập trung hỗ trợ cho các địa phương chưa có sản phẩm được công nhận; đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tái công nhận các sản phẩm gần hết hạn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang – Trương Cảnh Tuyên, tỉnh đã triển khai đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương giúp họ xác định sản phẩm đặc trưng của từng ấp, xã, huyện để phát triển; đồng thời đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 – 4 sao OCOP cấp huyện, ít nhất một sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.
Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, nhất là sản phẩm OCOP.
Nguồn: https://danviet.vn/dua-ocop-hau-giang-vuon-ra-bien-lon-20240826170242551.htm