(Dân trí) – Từ cảnh phải đổ bỏ hàng tấn mận khi bị thương lái ép giá, nhiều người trẻ giờ đã tận dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh nông sản, đạt doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng/phiên phát trực tiếp.
Ê chề ở chợ, “hốt bạc” trên mạng
“Hôm nay Toản sẽ cho mọi người xem vườn na của nhà Toản. Trái na này mọi người thấy có to không? Toản sẽ lắc lên cho mọi người nghe tiếng hạt ở bên trong nhé”, chàng nông dân Bùi Văn Toản (22 tuổi, quê tại tỉnh Sơn La) mở đầu bằng lời dẫn khiến người xem tò mò, khi trên tay đang cầm quả na to. Chỉ thời gian ngắn, đoạn clip đạt hơn 7,1 triệu lượt xem.
Phát trực tiếp cảnh bán hàng ngay trong vườn nhà, Toản đạt doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trên phiên phát trực tiếp (livestream) ở kênh Tiktok gần 130.000 lượt theo dõi của mình, Toản bày các loại trái cây được cắt một nửa để khán giả thấy được độ mọng nước bên trong. Với nụ cười tươi, cùng giọng nói chân thành, các mặt hàng cứ thế “chốt đơn” liên tục.
Đỉnh điểm, có phiên livestream kéo dài 3 giờ, Toản kiếm được 200 triệu đồng, tương đương với 10 tấn mận được bán ra. Trung bình mỗi mùa thu hoạch, gia đình Toản có thể bán 40 tấn mận chỉ trong 1 tuần, thay vì mất đến 1 tháng như trước. Doanh thu này vượt ngoài sức tưởng tượng của anh.
Khi còn bán theo kiểu truyền thống, những nông dân như Toản chỉ cần thu lại được tiền vốn đã là chuyện hết sức gian nan.
Chàng nông dân đạt được doanh số bán hàng ngoài sức tưởng tượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Văn Toản bắt đầu phương thức kinh doanh trên nền tảng số từ tháng 2/2023. Thời gian đầu, anh chỉ quay những video đơn giản nên rất ít người xem. Chàng nông dân liền nảy ra ý tưởng livestream ngay trong vườn nhà mình, để lộ hình ảnh hàng nghìn trái đang sai quả khiến người xem “phát thèm”.
“Giữa trưa, khi mọi người nghỉ ngơi thì tôi livestream bán hàng. Từ vài chục người rồi hàng nghìn người vào xem. Lúc mới làm cũng ngại lắm vì tính tôi vốn ít nói, nhưng sau khi tập luyện trước gương, lồng ghép những câu nói xu hướng trên mạng xã hội vào thì tôi tự tin hơn rất nhiều”, chàng nông dân bộc bạch.
Vốn sinh ra tại một gia đình làm nông ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), anh Khúc Thành Tú (24 tuổi) cũng vừa mang nông sản lên nền tảng số. Từ tình trạng “được mùa mất giá”, thua lỗ hàng chục triệu đồng, giờ đây Tú có thể thu lợi nhuận lên đến 50 triệu đồng chỉ trong 10 ngày.
Doanh thu hơn 40 triệu đồng trong một lần phát trực tiếp của Tú (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bắt đầu phương thức kinh doanh này từ tháng 6/2023, giờ đây kênh Tiktok của chàng trai đã đạt gần 28.000 lượt theo dõi. Trong đó, Tú thường bán các loại nông sản như ớt palermo, hồng treo gió, mận hậu, cam,…
Thời gian đầu, do chưa biết cách đóng gói và vận chuyển trái cây, Tú thua lỗ khoảng 20 triệu đồng vì phải bồi thường cho khách hàng. Sau đó, chàng nông dân rút kinh nghiệm và tính toán chính xác, đựng vào thùng giấy, có đục lỗ để mận đến tay khách sẽ ở độ chín vừa.
Nâng giá trị nông sản Việt
Khúc Thành Tú cho hay, việc kinh doanh nông sản trên nền tảng số mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Trong đó, người bán không cần bỏ quá nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân viên để vận hành một cửa hàng mà chỉ cần đầu tư một chiếc điện thoại di động, các thiết bị hỗ trợ khác.
Nhờ bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Tú mang thương hiệu nông sản quê nhà đến khắp cả nước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Người tiêu dùng trước đây có sở thích ra chợ mua nông sản, để được nhìn, sờ vào trái cây rồi mới quyết định mua. Nhưng giờ khách hàng sẵn sàng chờ 2-3 ngày để được ăn những món nông sản chất lượng.
Bởi vậy, chúng tôi livestream ngay trong vườn, cho họ xem cận cảnh nông sản được chăm sóc, đóng gói, vận chuyển như thế nào để tạo lòng tin tuyệt đối”, chàng nông dân tiết lộ bí quyết bán hàng.
Theo Văn Toản, động lực để anh quyết tâm đưa nông sản quê hương lên mạng xã hội vì không thể quên được cảm giác bị thương lái ép giá đến bật khóc. Không biết bao nhiêu lần Toản phải cắn răng đem rổ mận đổ bỏ vì không muốn nông sản được mua với giá rẻ mạt.
“Khi mận vào mùa, thương lái ép giá xuống còn 12.000 đồng hoặc thậm chí 10.000 đồng/kg. Không những vậy, tìm đầu ra cho mận rất khó. Có lần tôi lặn lội từ Sơn La đến TPHCM nhưng phải chấp nhận về tay không vì chẳng có ai mua”, Toản nói.
Không chỉ thu lại lợi nhuận cao, hai chàng trai còn giúp nông sản không bị ép giá, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cho đến khi kinh doanh trên nền tảng số, chàng nông dân mới vỡ òa khi mọi thứ thay đổi ngoạn mục, nông sản Việt được nâng tầm.
“Khi bán qua livestream, mận giữ được mức 19.000-20.000 đồng/kg. Nhiều người còn đặt mua với số lượng lớn, làm quà biếu đối tác, cấp trên hay người thân, bạn bè khiến cho hình ảnh về nông sản Việt trở nên rất sáng giá”, Toản bộc bạch.
Chẳng những tăng doanh thu, chàng trai còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở quê nhà. Bên cạnh đó, nông sản của các hộ dân tại địa phương cũng được Toản thu mua với giá cao, không còn tình trạng bị thương lái ép giá như trước.