Chủ động từ chính quyền
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng chương trình nhằm chủ động, bám sát nhiệm vụ và triển khai sâu rộng tới người dân hiệu quả.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, hướng dẫn các địa phương xây dựng dự án và ban hành phê duyệt 9 quyết định hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã: Bằng Hành, Thượng Bình, Hữu Sản, Đồng Tiến… với tổng số 248 hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ của dự án.
Trong khi, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Bắc Quang tập trung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề, nhà ở và vốn vay giúp người dân từng bước ổn định sản xuất, chăn nuôi, tạo kế sinh nhai ổn định, nâng cao thu nhập và dần vươn lên làm chủ kinh tế, tiến tới thoát nghèo.
Về Chường trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Quang đã chủ động ban hành Kế hoạch năm 2023, trong đó đáng chú ý nhất là Kế hoạch lao động công sản, đảm bảo an ninh trật tự trong cây dựng nông thôn mới và hàng loạt quyết định khác như: Phân bổ xi măng, ngân sách tỉnh… tới từng xã.
Đặc biệt, Chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh Hà Giang được đưa vào Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Huyện Bắc Quang đã chủ động tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả giúp hàng chục hộ dân xóa nghèo và vươn lên khá giả. Theo ông Trần Minh Hữu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang, việc tải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống và làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, mô hình tiên tiến.
Kế quả phản chiếu nỗ lực
Bắc Quang hiện đang thực hiện Dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 6 xã, với kinh phí trên 2,7 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản. Ngoài ra còn có các dự án: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Triển khai Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, hiện tại Bắc Quang đã hỗ trợ 26/26 hộ, đạt 100% kế hoạch đề ra, với diện tích 4,32ha vườn, ao; giải ngân vốn vay theo Nghị quyết số 58 cho 24/26 hộ được 720 triệu đồng, qua kiểm tra 24/24 hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đến hết tháng 8/2023, Bắc Quang đã tuyên truyền được gần 800 buổi, tới 35.400 lượt người, giúp người dân hiểu rõ được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình cải tạo vườn tạp, đồng thời giúp người dân hiểu rõ về quyền và lợi ích khi tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp.
Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bắc Quang đã tổ chức được 1.420 buổi lao động với hơn 15 ngàn lượt người tham gia, san lấp mặt bằng làm đường bê tông được 22.759m; đổ bê tông đường giao thông được 40.285m; cải tạo vườn tạp được 11 hộ tại 11/23 xã thị trấn; nâng cấp thay thế hơn 300 cột điện, tương đương 1.560m đoạn đường chiếu sáng; mở mới đường đất đá được 250m; xây dựng nhà tắm được 47 nhà, nhà vệ sinh hợp chuẩn được 50 nhà; cứng hóa di rời chuồng trại được 114 chuồng… và vận động hiến đất được 9.498m2 để làm giao thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Phòng Lao động và Thương binh và Xã hội huyện Bắc Quang, cho biết: 8 tháng đầu năm 2023, ngoài việc kết hợp với các phòng, ban và xã, thị trấn thực hiện đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông qua nhiều đề án, chương trình, huyện Bắc Quang còn khai giảng được 38 lớp đào tạo nghề nông thôn, với 1.330 học viên. Hiện nay, đã và đang duy trì 10 lớp với 525 người đào tạo ở hai lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp, bao gồm: May mặc, sản xuất mây tre đan, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, chế biến nông lâm sản, trồng và chế biến dược liệu… Huyện cũng đã phối hợp với Hội phụ nữ, MTTQ các cơ quan chuyên môn, tài chính kế hoạch, xây dựng kế hoạch giám sát trong quá trình đào tạo, giám sát về chất lượng đào tạo của các đơn vị liên kết để nắm được mức độ nhận thức và tiếp thu của lao động nông thôn. Đánh giá chất lượng của học viên sau đào tạo, đó là giải pháp việc làm, nâng cao thu nhập có việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững.