Nhằm góp thêm góc nhìn về vấn đề này, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của chuyên gia về du lịch Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.
Chợ đêm đâu chỉ có ăn uống và nhậu
Kinh tế đêm gồm rất nhiều lĩnh vực, trong đó có chợ đêm. Chợ đêm chưa hiệu quả là do không nắm được nhu cầu thực tế của khách.
Thời gian qua chúng ta phát triển chợ đêm theo kiểu “lẩu thập cẩm”. Mỗi loại hình có thị phần khách riêng. Phố đi bộ cũng có nhiều loại để khách chọn lựa. Vì thế không thể đưa phố ẩm thực ra hồ Xuân Hương (Đà Lạt), hồ Gươm (Hà Nội)…
Phố nào ra phố đó. Không ai cấm đường sách, đường tranh, đường tem, đường đi bộ… có tủ bán nước uống và thức ăn nhẹ. Nhưng, chợ đêm phải là chợ đúng nghĩa mới thu hút khách.
Không chỉ có ẩm thực và nhậu nhẹt, chợ đêm phải có không gian văn hóa.
Về không gian văn hóa, có thể gồm nhiều loại hình khác nhau, chia thành từng nhóm nhạc nhỏ biểu diễn ở chợ đêm để quảng bá thương hiệu cá nhân, nhưng âm thanh vừa phải, không quá ồn ào, không nên làm phiền người khác.
Mới đây, tôi có đến chợ phiên Temerloh, bang Pahang, Maylaysia. Chợ diễn ra hằng tuần. Tối thứ sáu là của các bạn trẻ. Tối thứ bảy và sáng chủ nhật là của mọi người.
Chợ không có sạp cố định. Người bán đi ô tô, bày hàng lên sạp cơ động, ban ngày có dù che. Khách rất đông. Chủ yếu là thực phẩm tươi sống, ẩm thực, đủ món ăn uống và hàng tiêu dùng nhỏ, hàng lưu niệm…
Chợ đông nhưng không ồn, không chen lấn và không nói thách. Ở đây cũng không có việc “chặt chém, trấn lột”.
Tóm lại, du khách rất thích đi chợ và tìm hiểu văn hóa bản địa qua ăn uống, chứ không chỉ đến chợ đêm chỉ có ăn uống và nhậu. Cuộc sống có ngày và đêm mới hài hòa, trọn vẹn thì du lịch cũng vậy.
Và điều kiện cần thiết nhất là phải liên kết từ các ngành liên quan. Cứ còn kiểu “mạnh ai nấy làm” thì không thể tồn tại và phát triển như mong muốn.
Mang tiền đến rồi đem về
Những năm qua, du lịch Việt đã rất nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều nếu thay đổi cách làm. Chợ đêm là một trong những số đó.
Để du lịch phát triển như mong muốn, chúng ta cần phải học theo cách làm của các nước ASEAN. Cụ thể, học Malaysia và Lào về du lịch bền vững và học người Thái về cách “dụ” khách tiêu tiền.
Theo thống kê, năm 2019, Thái Lan đón 39,8 triệu khách (dân số 71,2 triệu), xếp thứ 8 thế giới về lượng khách nhưng doanh thu xếp thứ 4.
Còn với du lịch Việt Nam, từ nào tới giờ chủ yếu đầu tư khách sạn, nhà hàng, tham quan và một ít mua sắm, chứ chưa chỉ khách cách tiêu tiền.
Làm sao để khách đến Việt Nam xài tiền và tạo nên bản sắc hấp dẫn du khách. Nếu cơ sở hạ tầng là phần xác thì văn hóa là phần hồn, khiến du khách ở lại lâu.
Và phải là lưu trú, là ở lại lâu, là doanh thu đầu khách và là tổng doanh thu mới là thứ du lịch cần.
Nhìn chung, về mặt “dụ” khách xài tiền chúng ta rất yếu. Thậm chí có người còn nói: “Khách Tây đến Việt Nam đi bộ rồi về ngủ, mang tiền đến rồi đem về”!
Mong Đà Lạt dừng việc buôn bán trong lòng danh thắng
Tôi nghĩ phố đi bộ Đà Lạt nên dừng việc thí điểm mô hình buôn bán để thu hút khách du lịch. Hồ Xuân Hương là danh thắng và cũng là công viên chung cho mọi người dân. Tình trạng rác thải, nước thải ăn uống xả xuống hồ, rồi đủ thứ mùi đồ ăn bốc ra hôi thối sau mỗi đêm ai cũng biết và không thể kiểm soát được.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dua-nhau-mo-cho-dem-nhung-dung-lam-theo-kieu-lau-thap-cam-20240608112207232.htm