Ma trận bẫy khách hàng
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ càng cao. Dịch vụ làm đẹp vì thế cũng trở nên nhộn nhịp. Bên cạnh, các cơ sở uy tín vẫn còn đó những cơ sở không phép, làm “chui” các dịch vụ dẫn tới nhiều người chưa thấy đẹp đâu đã kêu trời vì “quá xấu”.
Chị Nguyễn Thúy Loan ở Đống Đa, Hà Nội – một nạn nhân của việc mồi chài, câu kéo sử dụng dịch vụ làm đẹp chia sẻ, đầu tháng 12, chị Loan được một cơ sở tư vấn tiêm tinh chất giảm béo. Sau khi tiêm xong đi về, hy vọng sẽ giảm được cân. Nhưng đợi mãi không thấy giảm cân, chị đi hỏi bạn bè mới biết ngoài tiêm tinh chất còn phải chạy máy và chi phí không hề rẻ. “Vào thẩm mỹ viện giờ họ mời chào đủ loại dịch vụ, thậm chí tư vấn sai cho khách để thu thêm tiền mà không quan tâm đến hậu quả nạn nhân có thể gánh chịu” – chị Loan chia sẻ.
Tử vong vì vào trung tâm thẩm mỹ không phép
Đầu tháng 12 này, tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (TP. Hồ Chí Minh) trong quá trình gây tê chuẩn bị phẫu thuật đốt mỡ đã khiến chị T. một khách hàng nữ 25 tuổi tử vong. Điều đáng bàn, cơ sở này chỉ đăng ký kinh doanh chăm sóc da mặt, phun làm đẹp, không được thực hiện các tiểu phẫu cũng như gây tê đối với nạn nhân.
Một trường hợp tương tự, chị Đào Ngọc Minh ở Thanh Xuân vì nghe chèo kéo nên làm dịch vụ tái sinh nguyên bào. Sau khi làm xong tới gần 2 tháng mà mặt vẫn sưng. Chị Minh lo lắng đi hỏi bác sĩ tư vấn thì biết là mình được tiêm filler chứ không hề có tế bào gốc. “Giờ mặt như thế này tôi còn không dám đi ra ngoài, ở nhà thì bị chồng chửi” – chị Minh than thở. Hai câu chuyện trên chỉ là số ít trong những câu chuyện xảy ra hàng ngày khi phụ nữ đi làm đẹp. Tình trạng quảng cáo tư vấn một đằng nhưng thực hiện một nẻo trong các cơ sở dịch vụ làm đẹp ngày càng được khách hàng phản ánh. Điều đáng bàn, do quá nhiều cơ sở chăng biển quảng cáo là thẩm mỹ viện hay viện thẩm mỹ nên mới có tình trạng “thật giả lẫn lộn”, khách hàng bị lừa khi sử dụng dịch vụ.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chỉ tính trên địa bàn thành phố hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (thuộc nhóm 1, do UBND quận, huyện hoặc Sở KHĐT cấp phép hoạt động). Với việc mọc lên nhiều cơ sở làm đẹp nên công tác quản lý cũng là thách thức lớn.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thừa nhận khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp”, hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…”.
Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2) đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm, và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.
Tại Hà Nội hiện có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép. Các bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ gồm 10 bệnh viện. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ sở làm đẹp vẫn thực hiện “chui” các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng nhiều lần xử phạt các cơ sở hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ viện sau khi bị xử phạt thì ngay lập tức thay tên đổi họ bằng một cái tên mới. Trong một năm có cơ sở làm đẹp đã đổi tên 3 lần. Điều đáng nói là những cơ sở thẩm mỹ này được đăng ký chỉ là làm tóc, chăm sóc da hay nói cách khác là các dịch vụ không xâm lấn và giấy phép do cấp quận cấp nhưng lại thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ “chui”.
Rủi ro không thể chủ quan
Tình trạng khách hàng sử dụng dịch vụ thẩm mỹ không như ý muốn ngày một tăng. Điều đáng bàn, khách hàng họ phải trả số tiền không nhỏ nhưng kết quả không giống như quảng cáo, thậm chí còn rơi vào những trường hợp phòng khám “chui” dẫn tới tiền mất, tật mang. Đơn cử, đầu tháng 8/2022, tại một cơ sở thẩm mỹ “chui” ở quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), một phụ nữ sinh năm 1981 trong lúc chích thuốc tê để cắt tạo mí mắt đã bị đầu nhọn của kim tiêm đâm vào mắt, gây vỡ thủy tinh thể. Sau đó, nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh điều trị, nhưng theo nhận định của các bác sĩ, bệnh nhân khó có thể hồi phục thị lực.
Những ai trải qua dịch vụ thẩm mỹ “chui” thì mới thấy được sự nguy hiểm khi giao tính mạng cho đội ngũ y tế không chuyên nghiệp là như thế nào. Chị Đỗ Ngọc Anh một nạn nhân ở Hà Nội kể lại giây phút kinh hoàng. “Lúc tiêm hút mỡ bụng cũng đã đau nhưng khi tôi cắt da tạo hình họ mở phanh ra tôi rất đau. Tôi đã nói là em đau quá rồi nhưng họ vẫn cắt cho xong, họ cứ đè xuống. Khi mổ phanh ra nhìn cả mỡ cả thịt, tôi nhúc nhích mà dao kéo đi chệch, tôi nằm đó chịu đau đớn và cứ hét lên thôi” – chị Đỗ Ngọc Anh kể lại.
Trước ma trận làm đẹp giăng bẫy khách hàng, Th.Bs Nguyễn Hữu Tùng – Chuyên khoa thẩm mỹ tại một Bệnh viện ở Hà Nội đã đưa ra lời khuyên về 6 tiêu chí quan trọng khi có dự định phẫu thuật thẩm mỹ, dù chỉ là thủ thuật nhỏ. Trước hết khách hàng phải trang bị kiến thức hiểu biết về dịch vụ thẩm mỹ mình định làm; phải tìm cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép; phải biết rõ bác sĩ sẽ thực hiện cho mình là ai có đầy đủ bằng cấp; nhất định không được ham rẻ; phải có chế độ bảo hành và nhất định dùng công nghệ hiện đại có chứng nhận FDA an toàn.
Cũng theo các chuyên gia, người dân trước khi đi sử dụng các dịch vụ làm đẹp, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ dù là tiểu phẫu cần nên hiểu chỉ những phòng khám chuyên khoa và Bệnh viện có khoa thẩm mỹ mới có chức năng thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở làm đẹp khác đều không có chức năng này. Do đó, không nên tin vào lời quảng cáo đường mật để rồi gánh chịu hậu quả về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Đừng tin quảng cáo, phải có cam kếtHầu hết hiện nay khách hàng khi đến làm đẹp tại các thẩm mỹ viện chủ yếu thỏa thuận miệng với chủ cơ sở nên khi xảy ra biến chứng, các cơ sở này thường “phủi tay”, không chịu trách nhiệm. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, luật sư Nguyễn Duy Hùng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, ngoài việc lựa chọn các cơ sở uy tín được cơ quan chức năng cấp phép thì khi sử dụng dịch vụ nên có một bản cam kết về chất lượng. Tránh việc “đầu voi, đuôi chuột” trong thực hiện chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, đó cũng là căn cứ để nếu khi xảy ra tranh chấp thì có thể tiến hành khởi kiện, đòi đền bù. |
Trinh Phúc