Với mong muốn đưa bộ môn cưỡi ngựa, đua ngựa thể thao hội nhập quốc tế, vừa qua, tại trường đua Thiên Mã – Madagui (xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam đã gặp gỡ đại diện nhiều câu lạc bộ (CLB) trong cả nước để khẩn trương xúc tiến việc thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam.
Cưỡi ngựa nhảy sào |
Cưỡi ngựa thể thao có tên trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic kể từ năm 1912. Ở cấp độ châu lục, cưỡi ngựa thể thao xuất hiện tại Asian Games từ năm 1982 và 1 năm sau đó, được đưa vào chương trình tranh tài ở SEA Games lần thứ 12 – năm 1983, tổ chức tại Singapore.
Đến thời điểm này, Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao châu Á bao gồm 35 quốc gia thành viên, trong đó, khu vực Đông Nam Á có 8/11 nước có tổ chức quản lý bộ môn này, trừ Việt Nam, Lào và Timor Leste. Việt Nam từng dự kiến đưa vào tranh tài tại SEA Games 31, nhưng do chưa hội đủ một số điều kiện cơ bản nên bộ môn Đua ngựa sau đó không được chủ nhà Việt Nam đề xuất đưa vào chương trình thi đấu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Trưởng Ban Vận động Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Mã Cầu và Ngựa biểu diễn Madagui, Ban Vận động Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao được thành lập với mục đích đoàn kết, hợp tác và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư thúc đẩy luyện tập các môn thể thao về đua ngựa, cưỡi ngựa trong cả nước. Qua đó, cùng tham gia tranh tài tại các giải đua ngựa, cưỡi ngựa và biểu diễn ngựa nghệ thuật trong nước. Từ đó, nhằm chọn ra những chú ngựa và nài ngựa (huấn luyện viên) xuất sắc nhất để tham gia các giải khu vực và quốc tế. Sau 3 năm thành lập, đến nay, đã có 33 CLB tham gia, với tổng số ngựa đua, biểu diễn là hơn 450 con ngựa sẵn sàng gia nhập liên đoàn. Trong đó, riêng CLB Thiên Mã Madagui tại xã Mađaguôi có 70 chú ngựa đua, ngựa biểu diễn.
Tại cuộc họp này, Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam đã đề ra những phương hướng và kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Vì vậy, việc vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển bộ môn này. Qua đó, giúp đua ngựa, cưỡi ngựa thể thao Việt Nam sớm gia nhập với các hoạt động quốc tế, tham gia các tổ chức liên đoàn Đông Nam Á, châu Á.
Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu ngắn hạn là thành lập Trung tâm Đào tạo vận động viên cưỡi ngựa đua, cưỡi ngựa thể thao; tổ chức lớp tập huấn chuyên môn do các huấn luyện viên nước ngoài phụ trách; mở các khóa đào tạo kỹ năng đóng móng ngựa đua; hỗ trợ hội viên liên đoàn trong việc thành lập và đăng ký hoạt động CLB cưỡi ngựa tại các địa phương; tổ chức thường niên các giải cưỡi ngựa nhảy rào (jumping), cưỡi ngựa băng đồng (cross country); gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao khu vực và châu lục, tham dự SEA Games và ASIAD.
Trong 3 đến 5 năm tới, tiếp tục mở các lớp đào tạo nài ngựa đua, vận động viên cưỡi ngựa nhảy sào, cưỡi ngựa băng đồng; mở lớp đào tạo vận động viên môn cưỡi ngựa biểu diễn theo nhạc; mở các khóa huấn luyện thi đấu phát triển môn cưỡi ngựa biểu diễn (Equestrian) và Mã cầu; phát triển thêm các câu lạc bộ cưỡi ngựa thể thao trên toàn quốc mục tiêu đạt được ít nhất 80 CLB; phát triển ít nhất 5 CLB Mã cầu trên toàn quốc; gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa biểu diễn quốc tế; bổ sung môn Dressage và Polo vào trong lịch thi đấu hàng năm của Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam; tham gia thi đấu trong môn cưỡi ngựa thể thao Olympic tại SEA Games 34 vào năm 2027 với mục tiêu đoạt huy chương ở 1 số nội dung thi đấu.
Trong khi đó, kế hoạch dài hạn trên 6 năm, gồm: tham gia thi đấu môn cưỡi ngựa thể thao Olympic tại SEA Games 35 vào năm 2029 với mục tiêu đoạt 1 đến 2 huy chương vàng; tham gia thi đấu Equestrian tại Asiad 21 tổ chức năm 2030 tại Qatar; tiếp tục phát triển các CLB cưỡi ngựa thể thao, CLB Mã cầu lên ít nhất 120 CLB.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, lộ trình để đua ngựa, cưỡi ngựa thể thao Việt Nam tham gia thi đấu quốc tế như sau: Tham gia thi đấu cọ xát và học hỏi, phấn đấu có mặt trong 3 hạng đầu tại SEA Games 33 (2025) tại Thái Lan rồi hướng tới mục tiêu cải thiện thành tích để có thể tranh chấp huy chương vàng sau 2 kỳ đại hội tiếp theo, cụ thể là vào năm 2029 và ASIAD năm 2031.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đánh giá cao nỗ lực của Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam, góp phần phát triển môn thể thao được đánh giá rất phù hợp với tố chất con người và điều kiện tại Việt Nam. Đại hội thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2023.