Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng tháng Thanh niên (26/3/1931 – 26/3/2024) và kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2024). Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Đưa đoàn viên đến nhà hát nghệ thuật truyền thống” năm 2024 của Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ: Văn hóa nghệ thuật truyền thống là sự đúc kết những tinh hoa giá trị dân tộc Việt Nam, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của nhân dân ta từ xưa đến nay. Những loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối nước đã được các lớp nghệ sĩ trao truyền và tiếp nối từ đời này sang đời khác với mong muốn phục vụ nhân dân và những người yêu nghệ thuật. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa đã tạo nên nhiều lựa chọn mới mẻ cho đời sống giải trí tinh thần của người dân, phần nào tạo nên sự xa rời những sân khấu nghệ thuật truyền thống của những thanh niên.
Với sự nỗ lực của toàn ngành văn hóa trong thời gian qua, có thể thấy nghệ thuật truyền thống đã dần tìm lại tiếng nói cho mình, những sân khấu nghệ thuật truyền thống, những lời ca, kép hát đang dần trở lại, đi sâu vào lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ người trẻ tuổi. Sự trở mình đầy ngoạn mục của nghệ thuật truyền thống không phải chỉ có sự cố gắng từ Bộ VHTTDL, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật mà còn nhờ sự đón đợi, quan tâm của những bạn trẻ khi họ chủ động tìm hiểu và yêu thích cũng như chủ động sáng tạo quảng bá và làm giàu trở lại vốn tinh hoa của cha ông xưa.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đã đánh giá cao và biểu dương đề xuất của Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL với Chương trình đưa đoàn viên đến với nhà hát nghệ thuật truyền thống, và địa điểm được lựa chọn đầu tiên là Nhà hát Tuồng Việt Nam. Chương trình là một sáng kiến thiết thực, có ý nghĩa, góp phần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống. Thông qua chương trình, sẽ mở ra những trải nghiệm phong phú, đặc sắc, từ đó khơi gợi tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong lòng mỗi người trẻ.
“Tôi hi vọng Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thể hiện vai trò nêu gương trong việc khởi xướng và triển khai các hoạt động đưa đoàn viên đến địa điểm văn hóa nghệ thuật truyền thống, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng tới toàn thể thanh niên và đoàn viên Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các lãnh đạo khối Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để các thanh niên, đoàn viên có nhiều cơ hội tìm hiểu và tham dự những chương trình có ý nghĩa này” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.
Vở tuồng “Tình mẹ” được Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng lại là câu chuyện kể về cuộc đời của chiến sĩ cách mạng Lê Viết Thuật, một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam.
Đồng thời, vở diễn còn đưa khán giả sống lại thời điểm những năm 1930 – 1931, khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lôi cuốn hàng vạn công nhân, nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền làm chủ, xây dựng đời sống mới. Để làm cách mạng, biết bao người đã hy sinh cả tình riêng của mình. Đó là anh Lê, chị Lý – đại diện cho những người hy sinh tình yêu cho lý tưởng; Mẹ Lê cống hiến trọn đời mình và hy sinh cả con trai cho cách mạng…
Thông qua vở diễn “Tình mẹ”, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước đến với lực lượng đoàn viên thanh niên đồng thời nhắc nhớ về sự hy sinh của người chiến sĩ cộng sản ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng cùng tinh thần bất khuất của người mẹ Việt Nam, sống mãi cùng trang sử vẻ vang của đất nước, sẵn sàng hy sinh cho Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó chương trình cũng nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ và vun đắp những giá trị trường tồn của dân tộc.
Đặc biệt, vở diễn “Tình mẹ” còn như một minh chứng cho những nghệ sĩ trẻ – những đoàn viên thanh niên chứng tỏ năng lực bản thân, để có thể khẳng định nghệ thuật truyền thống đang có một thế hệ kế cận hùng hậu. Đây cũng là thế hệ sẽ nối tiếp lớp nghệ sĩ gạo cội bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Theo Quyền Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL Lê Minh Đức, việc gắn hoạt động đoàn với chuyên môn cũng là chủ trương và nhiệm vụ mà Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và Đoàn Khối các cơ quan trung ương đặt ra với Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL. Chương trình sẽ là hoạt động trọng tâm của Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL triển khai từ năm 2024 gồm một chuỗi các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để thu hút đoàn viên thanh niên đến với các Nhà hát Nghệ thuật truyền thống để thưởng thức những loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối nước…
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bằng sự chủ động, sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ, từng đoàn viên thanh niên Bộ VHTTDL sẽ phấn đấu, trau dồi kiến thức và bản lĩnh, coi mình như một đại sứ văn hóa trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ Bộ và ngành giao phó” – bà Lê Minh Đức cho biết thêm./.