Thuở trước, người dân quê tôi thường trồng khoai môn trên gò đồi với lá xanh cùng bẹ màu tim tím. Sau mưa bão, vườn rau xơ xác, ngập úng trông thật thảm hại. Bữa cơm càng “khô khan” gieo nỗi buồn vào lòng con trẻ. Khi liếp rau chưa kịp lên xanh, nhiều người lên gò đồi cắt bẹ mang về muối dưa để chế biến món ăn.
Trước tiên, rửa sạch môn rồi cắt khúc cỡ ngón tay và chẻ dọc. Tránh tiếp xúc với nhựa và thường nhúng tay vào nước để khỏi bị ngứa da. Tiếp đến, rửa sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Sau đó, cho môn vào chum, đổ nước vo gạo vào rồi dùng vỉ tre chèn lên trên, đậy kín. Chừng 2 – 3 ngày thì môn chua, tỏa hương thơm dịu khi mở nắp.
Dưa môn xào dầu phộng |
TRANG THY |
Dưa môn có thể chế biến nhiều món ăn: kho với cá đồng, xào cùng tỏi ớt, ăn kèm mắm cua đậm đà hương vị… Mớ cá nhỏ: mại, rô, sặt… ngọt mềm khi kho với dưa môn cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng. Mắm cua nồng nã thêm ngon khi ăn kèm với dưa chua dịu. Gặp ngày bếp cạn thực phẩm thì chế biến món dưa môn xào dầu phộng cho qua bữa cơm nhà.
Phương pháp chế biến món này khá giản đơn và nhanh gọn. Vớt dưa ra khỏi chum rồi vắt nhẹ tay cho ráo nước. Đun sôi dầu phộng cùng ít hành tím xắt mỏng đến khi bốc mùi thơm thì cho dưa môn vào chảo, dùng đũa đảo nhẹ. Rắc ít muối và đường đảo đều, khi gia vị thấm vào dưa môn thì rắc ít tiêu xay nhuyễn lên trên rồi nhấc khỏi bếp.
Dưa xào sẫm màu là món đưa cơm trong những ngày khan hiếm rau trái. Vị chua dịu của dưa hòa cùng cay, mặn, ngọt của gia vị cho cơm gạo thêm dẻo thơm. Nhiều người cắt cả bó to bẹ khoai môn rồi mang về chia cho hàng xóm để muối dưa ăn dần sau những ngày mưa gió.
Chiều muộn, mẹ từ ruộng đồng về sai con trẻ sang nhà bà ba, thím năm hay cô bảy xin mớ dưa môn muối từ vài ngày trước. Dưa môn thắm tình làng quê cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng. Giờ, nhiều người từng muối và san sẻ dưa thuở trước đã về cõi thiên thu. Bạn mang hai cân dưa đến nhà khiến lòng mình rưng rưng thương nhớ những ngày xa.