Từ năm 1990, ông Thân Văn Bảo (thôn Tân Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã gắn bó với những cây trồng truyền thống như cà chua, cải, dưa leo…
Mùa dịch COVID-19 cao điểm 2020, nhiều lứa rau của nông dân đã không được tiêu thụ. Trong khi đó, ông Bảo đã nhận thấy, nhu cầu sử dụng hoa, trồng hoa, chăm bón hoa của nhiều cư dân thành phố được mở rộng. Suy nghĩ, học hỏi, tìm đến nhiều nhà vườn để trải nghiệm thực tế, ông Bảo quyết định trồng hoa hồng bán cây.
Ông chia sẻ: “Trồng hồng thu hoạch cành như nông dân Đà Lạt thì thực sự khí hậu của vùng Đức Trọng không quá phù hợp. Tuy nhiên, trồng hồng chậu thì tôi nhận thấy rất thích hợp. Vì vậy, tôi đã chuyển từ trồng la ghim sang trồng hồng trong chậu”.
Tận dụng sẵn hệ thống nhà kính từ trồng rau, ông Thân Văn Bảo cải tiến để trồng hồng. Ông cho biết, trồng hồng không khó, cũng không dễ. Nếu nắm được kỹ thuật chăm sóc, cây hồng sẽ khỏe, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng và bền lâu.
Ông Bảo chỉ chọn khâu chăm sóc và phân phối chứ không ghép hồng. Thay vào đó, ông liên kết với một số nông hộ chuyên ghép các mầm hồng ngoại lên gốc hồng tầm xuân dại. Sau khi vết ghép liền, cây bắt đầu ra lá non, ông nhập giống và chuyển về chăm sóc tại một khu riêng.
Theo ông Bảo, mỗi giai đoạn của hồng cần một cách chăm sóc khác nhau. Vì vậy, ông chia khu trồng cây nhỏ, cây lớn để đảm bảo chăm sóc phù hợp.
Ông Thân Văn Bảo, nông dân trồng hoa hồng cảnh ở giới thiệu sản phẩm hồng chậu xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Theo ông Thân Văn Bảo, các giống hồng khác nhau cũng đòi hỏi sự chăm sóc khác nhau. Điều giúp khu vực Đức Trọng phù hợp với trồng hồng chậu, đó là nền nhiệt ổn định, không quá nóng, cũng không quá lạnh.
Sau khi bước qua giai đoạn ghép, cây hồng cần được nuôi dưỡng trong nhà kính, với chế độ chăm sóc hợp lý.
Ông Bảo nói, trồng hồng ở ngoài trời cũng cần có giai đoạn dưỡng trong nhà kính mới đẹp. Nhiều cây hồng nhỏ, xấu, người thợ sẽ cắt tỉa, bỏ phân, tưới nước theo chế độ phù hợp. Cây hồng sẽ nhanh chóng hồi phục, đơm nụ và có thể xuất bán.
Một điều khá đặc biệt với ông Thân Văn Bảo là ông đảm bảo sản phẩm từ vườn tới tận vựa bán. Thay vì để thương lái tới vườn chọn hồng, ông mua xe tải, để nhân viên đi giao hàng tại các vựa cây cảnh trong và ngoài khu vực Đức Trọng, tới tận khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận.
Cũng vì thế, ông nắm được nhiều sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng các vùng khác nhau, từ đó định hướng được giống, màu sắc đúng như size cây, mùa hoa… Theo ông Thân Văn Bảo đánh giá, nhu cầu trồng hoa hồng của thị trường là rất lớn.
Ông cũng rút kinh nghiệm, tùy theo sở thích, thị hiếu của từng vùng thị trường để điều chỉnh. Như khu vực Đồng Nai, mùa Giáng sinh, khách hàng ưa chuộng những cây hồng nhỏ, hoa nhỏ, màu sắc sặc sỡ. Mùa tết, khách hàng ưa chuộng cây to, hoa nhiều, cây khỏe, chưng được lâu.
Cũng thay vì chọn phân khúc sản phẩm cao cấp, ông Bảo chọn phân khúc hồng chậu trung bình dành cho số đông người tiêu dùng. Ông cung cấp, nhiều cây hồng của vườn chỉ có giá 30 – 35 ngàn đồng/cây. Cũng có sản phẩm cao giá nhưng không phổ biến bằng sản phẩm trung bình.
Sau bốn năm chuyển từ trồng rau sang trồng hồng, ông Thân Văn Bảo đã đạt được kết quả khả quan. Hiện tại, ông có 7 lao động thường xuyên, thêm 15 người khi vào cao điểm cung cấp hồng.
Ông chia sẻ, mỗi năm 2 ha hồng mang lại cho ông 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tính ra thì không quá cao, chỉ 500 triệu đồng/ha/năm nhưng bù lại, ông tạo được nhiều việc làm cho bà con xung quanh. Và mang đến cho người yêu hoa những chậu hồng xinh đẹp.
Bà Trương Thị Phượng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đánh giá, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Thân Văn Bảo còn là một Chi hội trưởng nông dân tích cực.
Phong trào nông dân thôn Tân Hiệp luôn được thúc đẩy, tham gia nhiệt tình với các phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ môi trường xanh – sạch – đẹp, khuyến học, khuyến tài… đều có sự thúc đẩy của người chi hội trưởng nhiệt tình, trách nhiệm.
Nguồn: https://danviet.vn/dua-loai-cay-la-chua-te-cac-loai-hoa-vo-trong-chau-ong-nong-dan-lam-dong-nay-thu-tien-ty-20240525233520637.htm