Sáng 5/5, tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 và Công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra ở Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trọng và Hội nghị đồng điều phối sẽ rà soát lại các công việc, đánh giá khó khăn, vướng mắc, cách khắc phục để đưa kinh tế vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững.
Theo Thủ tướng, Hội nghị lần thứ nhất (ngày 18/7/2023) của Hội đồng đã công bố việc thành lập và thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng; Hội nghị lần 2 (ngày 26/11/2023) đã tập trung góp ý vào quy hoạch của vùng Đông Nam Bộ. Hội nghị lần 3 này tập trung bàn về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch vừa được ban hành tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 và Công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua một năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Hội nghị lần này tập trung bàn việc tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ vừa được phê duyệt.
Quy hoạch cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại nghị quyết 24, bố trí không gian phát triển các ngành trọng điểm, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng. Việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng để vùng thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, triển khai các dự án quan trọng, kết nối liên vùng, liên ngành; đẩy nhanh đột phá chiến lược; rà soát công việc ưu tiên thực hiện quy hoạch, xác định phương hướng, giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ để đưa kinh tế vùng phát triển nhanh, bền vững…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn 1 năm triển khai, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ: Tại Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 19 chỉ tiêu phát triển, 35 nhiệm vụ và 29 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Về 35 nhiệm vụ: đến nay đã hoàn thành 2 nhiệm vụ; phê duyệt Quy hoạch 3 tỉnh (Tây Ninh; Bà Rịa-Vũng Tàu; Bình Phước). Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ. Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công 4 dự án; đang triển khai các thủ tục đầu tư 5 dự án và đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án…
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã Công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi ranh giới quy hoạch vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng và Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ. |
Quy hoạch xác định Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; là trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, công nghiệp phát triển, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh tế, Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8% – 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 – 420 triệu đồng, tương đương 14.500 – 16.000 USD. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41% – 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45% – 46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2% – 3%…
Về xã hội, chỉ số phát triển con người đạt trên 0,8. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40% – 45%; tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%… Đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 – 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.
Đông Nam Bộ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với hình thành trung tâm tài chính quốc tế), logistics. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh- Biên Hòa – Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ gắn với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP . Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, dự thảo Kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với cơ quan chủ trì và thời hạn hoàn thành cụ thể và theo dõi, đôn đốc, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dua-kinh-te-dong-nam-bo-phat-trien-nhanh-toan-dien-ben-vung-151408.html