Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định VN hoàn toàn ủng hộ việc Brazil mở Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại VN, đề nghị các doanh nghiệp Brazil và VN đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ.
Sáng 24.9 giờ địa phương, tại TP.São Paulo (Brazil), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp (DN) Brazil, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước này, theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva.
Theo Thủ tướng, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Brazil là quan hệ bạn bè truyền thống, nhưng do khoảng cách địa lý xa xôi nên quy mô thương mại chưa tương xứng, còn nhiều dư địa. “Ngày mai trong hội đàm với Tổng thống Brazil chúng tôi chắc chắn sẽ bàn các giải pháp lớn để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 1989 khi Việt Nam – Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương chỉ 16 triệu USD nhưng nay đã lên tới 6,8 tỉ USD. “6,8 tỉ USD chưa bằng 1% kim ngạch của Việt Nam với thế giới. Nếu làm ăn với Việt Nam thì không chỉ các bạn làm ăn với thị trường 100 triệu dân mà còn là cửa ngõ với thị trường 600 triệu dân khu vực ASEAN. Tương tự, nếu Việt Nam mở được thị trường với Brazil thì không chỉ là thị trường hơn 200 triệu dân của Brazil mà là cơ hội với thị trường Nam Mỹ hơn 400 triệu dân”, Bộ trưởng Diên nói.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani mong muốn thúc đẩy hợp tác của 2 nước trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học
Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang tập trung cho 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ mới; phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông, để giúp DN giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh. Qua đó, Thủ tướng mong các DN Brazil góp ý cho Việt Nam trong quá trình này.
Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc mở Brazil mở Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các DN Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển. Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam – Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.
Thủ tướng mong muốn với không khí quan hệ chính trị tốt đẹp như hiện nay, các DN Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các DN Brazil, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần… tạo điều kiện cho các DN hợp tác, phát triển. Do đó, đề nghị các DN hai bên tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỉ USD vào năm 2025, đạt 15 – 20 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.
Sáng 25.9 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ đón chính thức của Tổng thống Brazil LuLa da Silva tại thủ đô Brasilia. Sau đó 2 nhà lãnh đạo sẽ hội đàm chính thức, chứng kiến lễ trao các văn kiện ký kết, gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm. Thủ tướng sẽ gặp nhóm nghị sĩ hữu nghị Brazil – Việt Nam, dự lễ khai trương triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước, con người Việt Nam trước khi ra sân bay rời thủ đô Brasilia, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa liên bang Brazil.
Kim ngạch song phương liên tục phát triển
Việt Nam – Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989. Hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện từ tháng 5.2007 nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Về thương mại, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ (sau Mỹ). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều ghi nhận mức kỷ lục 6,78 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,24 tỉ USD và nhập khẩu 4,55 tỉ USD.
Trao đổi thương mại 6 tháng đầu năm 2023 đạt xấp xỉ 3,3 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,29 tỉ USD (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022) và nhập khẩu 2,01 tỉ USD (giảm 20,4 tỉ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại, giày dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, hàng thủy sản…
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là quặng và khoáng sản khác, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may và da giày…
Về đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR), Việt Nam đang tích cực vận động Brazil quan tâm thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA trong nhiệm kỳ Chủ tịch 6 tháng cuối năm 2023.
Về đầu tư, Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 68% vốn đăng ký); bán buôn và bán lẻ (26,6%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (2,8%); Việt Nam có 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại của Công ty TNHH Thương mại Tôn Nhất Hương và 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký 300.000 USD tại Brazil.
Thanhnien.vn