Sáng nay (29/5), Tổng công ty Đường sắt VN đã làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về thúc đẩy hoạt động du lịch đường sắt.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, với mục tiêu chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách, giải pháp hướng đến phát triển du lịch nhanh, bền vững, tăng trưởng cả khách du lịch nội địa và quốc tế.
Kết quả đạt được rất ấn tượng. Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 18 triệu khách, khách du lịch nội địa đạt 85 triệu khách, với doanh thu 3,2 tỉ USD.
Trải qua giai đoạn dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, năm 2022, du lịch nội địa bùng nổ với lượng khách đạt hơn 66 triệu người.
Khách quốc tế cũng đạt 3,8 triệu khách nhờ chính sách mở cửa du lịch thông thoáng.
Năm 2023, các con số này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với 12,6 triệu khách quốc tế, hơn 110 khách nội địa, doanh thu 2,8 tỉ USD, phục hồi bằng khoảng 70% thời điểm trước dịch. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đạt 7,6 triệu lượt, khách nội địa đạt 53 triệu lượt .
“Đóng góp vào kết quả này có vận chuyển hành khách đường sắt. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, ngành đường sắt có nhiều đổi mới, sản phẩm độc đáo, thu hút được ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước đi tàu.
Điển hình là tàu kết nối di sản Huế – Đà Nẵng, tàu Hà Nội – Đà Nẵng, tàu food tour Hải Phòng… nhiều thời điểm phải đặt trước nhiều ngày nhưng vẫn hết vé, kín chỗ”, ông Khánh nói.
Từ bức tranh khả quan trên, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp chặt chẽ với Cục trong xây dựng chương trình, nội dung quảng bá đường sắt khi xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam với thị trường du lịch nội địa và quốc tế.
“Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ đường sắt quảng bá trên các kênh truyền thông du lịch, các nền tảng số; Phối hợp đào tạo nhân viên đường sắt trong nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trên tàu, dưới ga”, ông Khánh khẳng định.
Về phía đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đổi mới về phương tiện, dịch vụ trên tàu, dưới ga nhằm khai thác tốt nhất vận tải đường sắt.
“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm du lịch – đường sắt hấp dẫn, kết nối các điểm đến văn hóa, di sản, bao gồm các cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng, công trình kiến trúc nhà ga như: ga Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt…
Trong đó, các nhược điểm như thời gian hành trình dài, tàu chậm được biến thành các ưu điểm với việc gia tăng các dịch vụ, tiện ích trên tàu phục vụ khách ưa trải nghiệm như: ẩm thực, văn nghệ…
Nhờ vậy, sản lượng vận tải hành khách tăng trưởng tích cực. 5 tháng 2024, dự báo hành khách lên tàu đạt hơn 2,7 triệu khách, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2022″, ông Mạnh chia sẻ.
Theo ông Mạnh, thời gian tới đây, đường sắt vẫn phải triển khai các giải pháp, định hướng này mà không phụ thuộc vào sự biến động của giá vé máy bay hay đường bộ cao tốc phát triển đến đâu.
“Đường sắt hướng tới đối tượng khách hàng riêng, nhất là khách du lịch. Chúng tôi sẽ xây dựng các đôi tàu 5 sao hướng phục vụ khách hạng sang; các tàu charter với thành phần đoàn tàu, hành trình, tuyến theo yêu cầu của khách hàng…”, ông Mạnh nói.
Thống nhất với ý kiến của Cục trưởng Khánh, ông Mạnh đề nghị hai bên ký biên bản ghi nhớ, để sớm có được sản phẩm hợp tác cụ thể.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hỗ trợ, phối hợp xây dựng được mô hình du lịch liên kết các phương thức vận tải như: hàng không – đường sắt – đường bộ tạo thành chuỗi phục vụ khách du lịch (One ticket – all trips). Trên hành trình đó còn có các điểm đến, các dịch vụ du lịch…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dua-hinh-anh-duong-sat-vao-noi-dung-xuc-tien-quang-ba-du-lich-192240529132307446.htm