Chiều 31-8, ba gói thầu quan trọng bậc nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với tổng giá trị lên đến 53.000 tỉ đồng đã được đồng loạt khởi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công, triển khai ba gói thầu, trong đó có nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Sự kiện này mở ra cột mốc quan trọng đưa hệ thống cảng hàng không Việt Nam vươn tầm thế giới.
“Trái tim” của sân bay được khởi động
Hai gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 gồm gói thầu 5.10 là thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách và gói thầu số 4.6 là thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.
Giá trị đầu tư gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỉ đồng và gói thầu 4.6 trị giá hơn 7.300 tỉ đồng. Công trình này được ví như là “trái tim” của sân bay Long Thành.
Trong khi đó, gói thầu số 12 thi công xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng.
Tại công trình sân bay Long Thành, dàn xe tải, máy móc được nhà thầu triển khai rầm rộ. Công nhân tấp nập triển khai các phương án để đi vào thi công ngay sau lễ khởi công.
Ông Lại Xuân Thanh – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho biết hai đại công trình đang dần hiện hữu với các hạng mục có quy mô lớn, gói thầu có giá trị lớn và có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay.
“ACV cam kết sẽ dồn mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý dự án, chỉ đạo, kiểm soát sát sao và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để hoàn thành thi công các dự án đúng tiến độ và chất lượng cao” – ông Thanh nói.
Nói về nguồn vốn cho dự án, ông Thanh khẳng định ACV đảm bảo đủ nguồn vốn để cung ứng, cân đối cho các dự án trong 3 năm tới. ACV đang làm việc, thống nhất với ngân hàng cho vay để giảm phần vay ngoại tệ.
Theo kế hoạch ban đầu, ACV sẽ vay ngoại tệ 2,1 tỉ USD nhưng sau khi cân đối lại nguồn vốn, công ty chỉ vay khoảng 1,7 – 1,8 tỉ USD. Dưới mức 2 tỉ USD, ACV được nhóm ngân hàng nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank thu xếp vốn. Do đó nói về nguồn vốn ACV vẫn tự tin, nếu có thiếu quá vẫn còn phòng để vay.
Nhà thầu hồ hởi, hãng bay lên kế hoạch lớn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-8, đại diện Công ty cổ phần Hawee Cơ Điện (thành viên liên danh Vietur) cho biết doanh nghiệp này cũng như các nhà thầu tham gia liên danh đã có thời gian dài chuẩn bị và sẵn sàng để xây dựng, lắp đặt các hạng mục trong sân bay.
Doanh nghiệp này nói đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực lên đến hàng trăm công nhân, kỹ sư và trong giai đoạn cao điểm lắp đặt thiết bị sẽ có khoảng 700-800 người lao động của doanh nghiệp này trên công trường. Theo vị này, do nhà ga là công trình thấp tầng, kết cấu chủ yếu bằng thép, thi công sẽ nhanh và việc lắp đặt hệ thống cơ điện cũng dễ dàng.
Về mặt công nghệ, vị này cho biết các hãng sản xuất uy tín trên thế giới hỗ trợ, cung cấp giải pháp, thiết bị và chuyên gia nên sẽ không khó khăn với nhà thầu cơ điện. Bên cạnh đó, các hãng, các nhà cung cấp trong và ngoài nước cũng đã cam kết về mặt tiến độ giao hàng.
Còn với doanh nghiệp này, phía nhà thầu cũng đã chuẩn bị các kịch bản tiến độ cho từng giai đoạn, đã bố trí sơ đồ ban điều hành, đưa các cán bộ có kinh nghiệm nhất của doanh nghiệp tham gia dự án. Vì vậy, đại diện doanh nghiệp này đánh giá gói thầu này lớn về mặt quy mô, không khó khăn trong thi công nên sẽ đảm bảo được tiến độ về mặt cơ điện.
Trong khi đó, Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings cũng cho biết gói thầu 5.10 (công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành) là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của dự án.
Phục Hưng Holdings nói với kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và tinh thần trách nhiệm của liên danh nhà thầu, doanh nghiệp này và các nhà thầu của liên danh Vietur quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Hòa – chủ tịch Vietnam Airlines – nói trong thời gian qua hạ tầng hàng không quá tải làm ảnh hưởng rất lớn đến các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.
Để cạnh tranh với hãng bay trong khu vực, ông Hòa đánh giá hạ tầng hàng không đóng vai trò rất quan trọng. Hàng không Việt Nam không chỉ vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B mà hướng đến là cửa ngõ trung chuyển của hàng không thế giới. Trong đó, sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò là “cứ điểm” để trung chuyển khách tới mọi miền của thế giới.
Về tương lai sân bay Long Thành là sân bay mang tầm cỡ thế giới. Với Vietnam Airlines, hãng đã có kế hoạch tăng mạng bay quốc tế, đặc biệt bay xuyên lục địa để đưa khách du lịch, đầu tư tới “siêu sân bay” Long Thành.
“Không chỉ hãng Vietnam Airlines mà đưa các hãng trong liên minh Skyteam về khai thác sân bay Long Thành, cạnh tranh với sân bay khu vực châu Á” – ông Hòa kỳ vọng.
Thủ tướng: Cần đúng tiến độ
Phát biểu tại buổi lễ khởi công tại sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong những năm qua, hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng nhưng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng phát triển của quốc gia, quốc tế. Nhiều sân bay quá tải cả trên trời và dưới đất, nhất là Tân Sơn Nhất.
“Chúng ta cải tạo liên tục nhưng không theo kịp được sự phát triển của đất nước” – Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất là hai dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống hàng không quốc gia, trong quốc phòng, an ninh khu vực, đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và thế giới.
“Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, thể hiện khát vọng vươn lên của chúng ta. Sân bay này kỳ vọng đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ hàng không thế giới. Hy vọng với kinh nghiệm, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, dự án sẽ vượt tiến độ. Lễ khởi công hôm nay là sự kiện quan trọng, là dấu ấn phát triển chung.
Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, do vậy để công trình được hoàn thành an toàn, đảm bảo đúng tiến độ, cần tăng cường giám sát, kiểm tra, thúc đẩy với mục tiêu chung đảm bảo tiến độ dự án như kế hoạch dự thầu”, ông chỉ đạo.
Về chất lượng công trình, ông yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong quá trình thi công cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng như giám sát các công trình phải đảm bảo chất lượng. Không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó cần quan tâm đến đời sống của công nhân và những người tham gia dự án…
Tuyển dụng từng bước để kịp tiến độ
Đây là chia sẻ của ông Lại Xuân Thanh khi nói về khó khăn sau khi khởi công. Theo chủ tịch ACV, nguồn lực con người thi công hai đại công trình là thách thức rất lớn cần phải vượt qua. Để có người hiểu việc, đáp ứng tốt các công việc quan trọng không phải dễ dàng. ACV đang tìm kiếm, tổ chức tuyển dụng để từng bước bố trí cho giai đoạn phù hợp với tiến độ chung của dự án.
Còn trang thiết bị máy móc, ACV đã yêu cầu các chủ thầu đảm bảo phương tiện phục vụ dự án đầy đủ. “Mặt bằng đã sẵn sàng, sau lễ là bắt tay vào thi công ngay” – ông Thanh nhấn mạnh.
Liên danh Vietur cam kết hoàn thành 39 tháng
Ông Ibrahim Çeçen, chủ tịch IC Itas – đơn vị đứng đầu liên danh Vietur, trúng gói thầu 35.000 tỉ đồng, kỳ vọng sân bay Long Thành sẵn sàng trở thành viên ngọc mới của châu Á và cho hay liên danh Vietur với sự tham gia của các thành viên nhà thầu xây dựng từ Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ và cam kết hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án quan trọng này.
“Liên danh Vietur cam kết hoàn thành xây dựng nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trong tối đa 39 tháng với chất lượng thi công theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất” – đại diện liên danh Vietur cam kết.
Nhà thầu giám sát Nhật Bản: khâu phối hợp thi công cực kỳ quan trọng
Ông Yamada – giám đốc dự án của Liên danh giám sát thi công JAC-Coninco, đồng thời là nhân sự của Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản (Japan Airport Consultants) – cho rằng khối lượng công việc sau lễ khởi công cực kỳ nhiều.
Khi mặt bằng đã được sẵn sàng là nhiều thách thức mới bắt đầu. Rất nhiều hạng mục xây dựng được triển khai đồng thời, như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống giao thông, đài kiểm soát không lưu đòi hỏi sự phối hợp tổ chức thi công phải cực kỳ chính xác. Công trình cũng có yêu cầu tiến độ thi công rất khẩn trương với ngân sách được lập theo đơn giá Việt Nam nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Dù vậy, với kinh nghiệm giám sát cùng đội ngũ kỹ sư đến từ Nhật Bản và đội ngũ kỹ sư Việt Nam, ông Yamada cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, chủ động phối hợp với chủ đầu tư ACV và các nhà thầu thi công, thực hiện công tác giám sát thi công chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình nhà ga hành khách cao nhất, góp phần vào thành công chung của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.