Dồi dào hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ người dân mua sắm Tết
Năm 2023, sản xuất của ngành nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ đã góp phần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng nông sản, thủy sản phục vụ người dân mua sắm Tết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%…
Bộ Công Thương cũng đã triển khai công tác thị trường để phục vụ người dân mua sắm Tết.
Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay: Các địa phương đang tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo… phục vụ người dân mua sắm Tết.
“Bộ cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…” – bà Lê Việt Nga nói.
Theo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An…, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đã chủ động kế hoạch sản xuất cung ứng đủ hàng hóa ra thị trường.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định: Từ nay đến ngày 10.3.2024, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ cố định, không tăng giá các mặt hàng bình ổn thị trường.
Về phía các doanh nghiệp, ông Đinh Quang Khôi – Phó Giám đốc Marketing MM Megamarket Việt Nam (MM Megamarket) cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024, MM Megamarket đã làm việc sớm trước 3 tháng với các nhà cung cấp lớn.
“Chúng tôi đã tăng số hàng dự trữ cho Tết lên khoảng 20-30% để đảm bảo nguồn hàng và bình ổn giá cả, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm” – ông Khôi cho hay.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc Marketing Central Retail cũng cho biết, từ nay đến ngày 10.1.2024, hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc đang triển khai chương trình “Dọn nhà đón Tết” và “Chúc mừng năm mới 2024” phục vụ người dân mua sắm.
“Chương trình áp dụng khuyến mãi hấp dẫn tới trên 50% với hàng trăm sản phẩm chất lượng và cơ hội rút thăm trúng hơn 300 giải thưởng, với tổng giá trị hơn 3 tỉ đồng” – bà Vân chia sẻ.
Đưa hàng Việt về nông thôn, đảm bảo chất lượng
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, phục vụ người dân ngoại thành mua sắm Tết, Hà Nội triển khai tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để giúp người dân mua sắm Tết an toàn, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, để đảm bảo nhu cầu cho người dân thủ đô, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường (gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…) trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ…); các loại quả – hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.
Bà Vũ Thanh Hà (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho hay, hiện nay tại các cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh, siêu thị mini… hàng tết đã rất dồi dào.
“Ngoài các loại hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ, trứng… thì nhiều loại thịt hun khói, xúc xích các loại, thịt lợn bản, gà ủ muối, giò bê, chả tôm/cua/cá các loại cũng đã được chào hàng” – bà Hà chia sẻ.
Còn theo bà Lê Thị Nụ (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội), vùng ngoại thành thường không có nhiều sự kiện nên Hội chợ phục vụ Tết không chỉ là dịp để bà con tham quan, mua sắm hàng hóa mà còn là dịp để vui chơi, giải trí.
“Hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan nên mua sắm tại hội chợ Tết tôi có cảm giác yên tâm hơn hẳn. Năm nào gia đình tôi cũng chọn mua sắm Tết tại hội chợ Xuân để yên tâm về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa” – bà Nụ nói.