Ngày 6-7, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức Chương trình điểm hẹn kiều bào số 1 năm 2024 với chủ đề “Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quyết định số 1039/QĐ-UBND”.
Ông Phan Liên, chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam, chỉ ra một vài bất cập trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
“Nhiều doanh nghiệp có làm tem truy xuất nhưng khai báo thông tin lại không trung thực. Việc tìm tem dán truy xuất phù hợp cũng chưa dễ dàng. Các thông tin truy xuất cần đưa lên Cổng thông tin quốc gia để thống nhất một loại tem phù hợp cho các doanh nghiệp”, ông Liên nêu ý kiến.
Trong khi đó, dù thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa ngay khi sản phẩm mới ra thị trường, nhưng ông Lâm Quốc Nhựt, CEO Halofai, cũng cho biết gặp khó khăn vì sản phẩm chưa có nơi xác nhận tiêu chuẩn.
“Mô hình sản phẩm của công ty là nông nghiệp mặn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Việc canh tác sử dụng nguồn nước mặn nhưng đến nay tiêu chuẩn cho chất lượng nguồn nước mặn lại chưa có, nên khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cũng gặp khó”, ông Nhựt nêu một ví dụ về khó khăn.
Được ví như một buổi gặp gỡ cà phê sáng cuối tuần, Chương trình điểm hẹn kiều bào do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM thực hiện với mong muốn trở thành nơi để kiều bào gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào, mở rộng mạng lưới hợp tác.
Đang xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc với rau củ
Thông tin tại buổi gặp gỡ, bà Võ Đình Liên Ngọc – phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – cho biết hiện thành phố đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5/7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố, có lộ trình thực hiện từ năm 2023.
Các nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc gồm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau quả tươi, tôm, thủy sản sơ chế có bao gói (cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa), tổ yến.
Đến nay, trên địa bàn TP đã có 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản triển khai hướng dẫn kết nối với môi trường kỹ thuật của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (chạy thử nghiệm) đến các sở, ban ngành thành phố, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức theo hướng dẫn của Trung tâm mã số mã vạch quốc gia – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
“Hiện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang triển khai xây dựng mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa rau quả tươi. Với mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc rau quả tươi, thành phố kỳ vọng sẽ chuẩn hóa phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán, qua đó nhân rộng mô hình và đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa khác”, bà Ngọc cho biết.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai – chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM – cho biết thành phố nhìn nhận việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, xác thực các thông tin để truy xuất nguồn gốc góp phần đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm cho hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đây cũng là cách thức để hàng hóa của các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, đi ra thị trường quốc tế.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dua-hang-viet-da-truy-xuat-nguon-goc-ra-the-gioi-lang-nghe-y-kien-kieu-bao-20240706181627681.htm