Guitar cứu rỗi tôi
Phóng viên: Vì cách bạn chơi trên sân khấu chuyên nghiệp và say mê, tôi lại nghĩ đến sự nỗ lực ghê gớm, âm thầm của người nghệ sĩ nói chung và những guitarist nói riêng?
An Trần: Nỗ lực là điều tối thiểu đối với người nghệ sĩ. Cũng như nỗi ám ánh nghi ngờ bản thân luôn là điều thường trực với người làm nghệ thuật dù anh nổi tiếng đến đâu. Những ý nghĩ hoài nghi về tài năng, về bản thân luôn có thể trỗi dậy từ đâu đó. Nhưng khi nó đến thì mình học cách chấp nhận nó, xem nó như một phần của cuộc biểu diễn giúp mình thực sự hào hứng, thăng hoa trên sân khấu.
An nghĩ nỗ lực tập luyện để có được sự tự tin là điều chiếm đến 90% thành công, còn lại may mắn.
Phóng viên: Người hâm mộ từng biết quãng thời gian khó khăn tưởng phải bỏ dở giấc mơ guitar của một cậu bé Việt Nam trên đất Mỹ. Rốt cuộc đến nay, guitar có ý nghĩa thế nào với cuộc đời An?
An Trần: Vâng, đó là khoảng thời gian khi An sang Mỹ học trung học phổ thông ở thành phố nhỏ thuộc bang Nebraska. Ở đó không có thầy giáo dạy guitar, môn âm nhạc không có guitar. Trong khi đó, nhìn quanh, đội trẻ Mỹ chơi guitar ghê lắm, có mặt khắp các giải châu Âu, thế giới. An bắt đầu chán nán, khổ sở bởi phải im lặng bên cây đàn của mình và nghĩ rằng mình không còn cơ hội học guitar, mình không giỏi…
Tình cờ một lần đến Chicago thăm bạn, mấy anh nghiên cứu sinh mới giới thiệu cho một người bạn học guitar rồi qua đó lại kết nối với cô giáo dạy guitar tên là Anne Waller. Cô đã nghe và đánh giá An có tiềm năng, khuyên theo học một kỳ trại hè. Nhưng với mức học phí 2000 USD khi đó, với An là cả một vấn đề. Rồi thế nào đó, bằng sự giúp đỡ của bố mẹ và mọi người, An theo được kỳ học và nhận thấy mình lại là học sinh được đánh giá khá nhất trong số hơn 10 học sinh của trại hè. Cô Anne Waller cũng tiếp tục dạy miễn phí cho An sau khoá học.
Guitar đã vực An lên trong bước ngoặt quan trọng ở xứ người.
— AN TRẦN —
Còn trước đó, thuở niên thiếu ở nhà, guitar chính là thế giới cho An trú ngụ và tìm kiếm sự an ủi. Cũng như nhiều đứa trẻ khác, An hay bị so sánh, vì thời đi học, môn nào cũng làng nhàng. Thậm chí, bố mẹ cho đi học thử nhiều môn thể thao như bóng đá, tennis…, học cả piano, vẽ, hát…nhưng không có cái gì nổi trội.
8 tuổi bắt đầu học guitar từ một người anh họ và nhận ra ồ hình như mình có năng khiếu vì khi tập thấy rất dễ, trả bài nhanh hơn học các môn khác. Lần đầu tiên trong đời An thấy có cái dễ. Mới nói với bố mẹ: Con thích cái này, con muốn học guitar. Tìm được thứ giúp mình khẳng định bản thân thì An lại càng tập nhiều hơn. Và càng tập nhiều thì càng giỏi hơn. 10 tuổi thi vào nhạc viện đạt điểm cao nhất. 12 tuổi thì giành giải nhất cuộc thi guitar quốc gia. Lúc này thì bố mẹ đã tin mình có chút khả năng và quyết định cho An theo con đường chuyên nghiệp.
Guitar và An đã gặp nhau như thế! Nhưng trong những khúc quanh của cuộc đời phải nói guitar đã cứu rỗi An.
Phóng viên: Giờ đây đã làm thầy, và nghĩ lại những chặng mà ta hay gọi là bước ngoặt ấy, thầy cô hẳn là chất xúc tác quan trọng đưa guitar đến, trở lại với An?
An Trần: An luôn nghĩ rằng mình may mắn khi trên con đường mình đi, có rất nhiều người đã dừng lại với mình, giúp đỡ mình. Trong đó, thầy cô không chỉ cho mình kiến thức, kỹ năng mà cho mình cách nghĩ. Thực sự, một đứa teenage mất phương hướng, hoang mang gặp được giảng viên guitar khen mình: Em có tài, có khả năng, thì điều đó nó mở ra cho mình một con đường, một hy vọng ghê gớm lắm.
Năm thứ 3 Đại học, An học thầy giáo người Đức Tom Zelle dạy về chỉ huy. Mỗi buổi tập trong tuần, thầy trò cùng ngồi thiền, ăn tối và thầy lắng nghe chia sẻ của An, giúp An nhìn thẳng vào những vấn đề tổn thương nhất của mình để vượt thoát nó. Nhiều lúc tập toát mồ hôi, nhưng nếu mình không nhận diện, phá bỏ được những suy nghĩ ám ảnh trong mình thì mình cũng không thể chơi đàn hay được.
Đối với An, việc thầy chia sẻ với mình, nâng đỡ người học về tinh thần có ý nghĩa to lớn, quan trọng hơn cả việc thầy dạy guitar cho An.
Phóng viên: Và điều này có được lan toả đến những thế hệ học trò của An?
An Trần: Không có gì tốt hơn bằng việc mỗi người cố gắng mỗi ngày cho mình tốt hơn. Vì một khi mình tốt hơn thì những người tiếp xúc với mình cũng có ảnh hưởng tốt hơn và thế giới này có thể nhờ thế mà đẹp đẽ hơn. An luôn nghĩ như vậy, nên đứng trước học sinh mà là học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có khi mình lại trở thành nhà trị liệu tâm lý trước khi là thầy giáo dạy đàn.
Có một thực tế, nhất là sau covid-19, hầu như các sinh viên của mình đều thuộc lứa thiếu niên chịu sang chấn từ đại dịch và chỉ cần nói chuyện là cảm nhận được những tổn thương của các em.
Chưa kể lâu nay lối chơi guitar chịu sự ảnh hưởng của những khuôn mẫu, vô hình trung trở thành những bức tường ngăn trở người chơi thể hiện mình trong những tự do sáng tạo. Nghe tiếng đàn có thể thấy được rất nhiều học sinh bị “bí”, không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở Mỹ. Chơi thế thì lúc nào cũng bị copy người khác, là chơi đàn cho người khác, không phải cho mình.
Và với người thầy, điều quan trọng lúc này là cùng với học sinh phá bỏ được chính bức tường của mỗi người. An vẫn nói với các em: “Nếu không phá bỏ được thì không bao giờ chơi free được, phá được thì em là em, em chia sẻ những gì em có, còn mọi người nghĩ gì thì em để ra ngoài hết”.
Thầy Tom Zelle đã dạy An cách nghe nhạc kiểu khác. Và An cũng mong muốn được nghe theo một cách khác tiếng đàn của các học trò mình.
Đôi tay bê phở, xếp sách, chơi đàn
Phóng viên: Sống ở Mỹ là câu chuyện hẳn không đơn giản, và đôi tay chơi đàn có từng phải mưu sinh?
An Trần: An từng bê phở nhưng được hai ngày thì… bị đuổi vì họ nói “cậu này không làm được, bê chậm quá” (cười). Thời gian học trung học phổ thông, An cũng đi thi guitar mang về cho trường một số giải thưởng của bang, nhờ thế mà có được sự hỗ trợ nhất định của nhà trường để theo học tiếp. Ngoài dạy đàn, khi làm nghiên cứu sinh thì An làm thêm việc xếp sách trong thư viện. Công việc này thì không bị… chê là chậm và thậm chí nó giúp An có thời gian thư thái suy nghĩ về con đường tiếp theo của mình.
Phóng viên: Nỗ lực lao động, tập luyện là tất yếu nhưng cụ thể, cái tất yếu ấy diễn ra thế nào? Tôi tò mò về việc chăm sóc đôi tay đã nhảy múa trên những dây đàn với cường độ cao như vậy?
An Trần: Bàn tay, móng tay là “giọng nói” của người nghệ sĩ guitar. Móng tay khoẻ và có độ dày, đầu móng không vết xước thì tiếng đàn sẽ đẹp, người nghệ sĩ sẽ tự tin hơn. Lúc nào An cũng mang theo bộ chăm sóc móng tay và chăm sóc chúng hằng ngày, không kém nghệ nhân nail (cười).
Dịp thu âm album guitar thứ hai của An, trong một bài có một đoạn mà thu đi thu lại đến chảy máu ngón út. Mà đấy mới là buổi sáng của ngày thứ hai, trong khi phải thu âm 3 ngày liên tục từ 9h sáng-12h đêm. Lúc ấy An phải tìm mua tuýp thuốc gây tê, cầm máu để ngón út mất cảm giác đau, tiếp tục chơi đàn.
An đã phải tìm mua tuýp thuốc gây tê, cầm máu để ngón út mất cảm giác đau, tiếp tục chơi đàn.
Phóng viên: Một ngày làm việc của An?
An Trần: Hôm vừa rồi đi ăn sáng và uống cà phê ở Bờ Hồ, lần đầu tiên sau 4 năm ở Mỹ, trở về Hà Nội, An có cảm giác không phải nghĩ đến việc chiều nay mình làm gì, giờ nào? Một ngày ở Mỹ thực sự là những chuỗi giờ và công việc không ngừng. 6h dậy, đưa vợ đi làm và mình thì lái xe đi dạy. Có trường An chạy cả đi cả về chừng 230km, sáng đi tối về. Hôm nào không có lịch dạy thì 7 giờ dậy, tập gym, và làm các công việc khác. An thường không ăn sáng. 6-7 giờ thì ăn tối cùng gia đình, chơi với con được 1-2 tiếng. 10 giờ tối thì xuống hầm đóng cửa tập đàn đến 2h sáng. Sau mỗi buổi tập, An luôn làm hai việc: Ghi lại những việc làm của ngày mai và cho cà-phê sẵn vào máy để sáng sớm chỉ việc bật máy.
Phóng viên: Và thời gian cho gia đình có ý nghĩa thế nào đối với người nghệ sĩ?
An Trần: Chia sẻ công việc với gia đình là điều hiển nhiên. An thường nấu ăn và Lucina – vợ An thì dành nhiều thời gian chăm con. Em bé và gia đình mang đến cho An thêm một nguồn năng lượng mới, nhìn thấy con là cười và An dường như cũng không nhớ gì về cuộc đời trước đây của mình nữa. Mọi thứ bắt đầu từ đây! (cười).
Tất nhiên, cuộc sống gia đình khi có em bé thì luôn có những thử thách. Nhưng chúng ta sẽ có cách thu xếp khi hai người thấu hiểu, hỗ trợ nhau hằng ngày trong cuộc sống. An vẫn nhớ khi con ra đời mới được 2 tuần tuổi là mình đã phải xa nhà đi thu album thứ hai. Và từ khi biết có em bé trong bụng mẹ là mình đã nghĩ đến tiếng đàn phải làm sao để nó đẹp hơn, nó mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống này.
Phóng viên: Còn album đầu tiên ra đời thế nào?
An Trần: Năm 2019 là thời điểm An nghĩ đến việc phải bắt đầu thu đĩa.
Dự định ban đầu là thu những bản guitar kinh điển nhưng cứ có một tiếng nói băn khoăn gì đấy luôn xuất hiện trong mình… 3 tháng trước thời điểm phải thu, An đang làm thêm việc xếp sách ở thư viện trường Đại học (trung bình 7 tiếng/ngày). Vừa xếp vừa suy nghĩ việc mình phải làm gì cho đời sống guitar thế giới chứ không thể mãi chỉ chơi lại những bản nhạc kinh điển. Đang xếp thì chợt nghĩ đến việc tại sao mình không giới thiệu những bản nhạc guitar Việt Nam ra thế giới? Thế là An chạy về nhà luôn, bắt tay cho dự định này.
Phóng viên: Một fan của An ở Việt Nam chia sẻ rằng chị ấy mua album “Stay, my beloved” từ dự án crowd funding (gọi vốn cộng đồng) của An và thực sự ấn tượng với hình ảnh cũng như tiếng đàn guitar tha thiết ấy…
An Trần: An luôn biết ơn những người nghe như vậy! Dự án này lúc đầu chỉ hy vọng đạt được 7000USD, nhưng không ngờ đã lên đến 10.000USD. An luôn nghĩ, nếu bạn làm cái gì mình thực sự yêu thích thì mọi người sẽ sát cánh bên bạn. “Stay, my beloved” cũng là album guitar đầy dấu ấn gia đình của An. Trang bìa là ảnh mà bố An chụp ở một vùng núi của Việt Nam. Tên đĩa “Người ơi, người ở đừng về!” cũng là tên bản nhạc mà theo mẹ nghĩ là An chơi hay nhất.
Các trang giới thiệu trong tờ áo đều có hình ảnh gia đình An và đặc biệt bức vẽ cầu Thê Húc cong cong màu đỏ với sự phản chiếu hình ảnh dưới nước là bức mà vợ An vẽ tặng với gửi gắm về sự kết nối, tương tác giữa vốn văn hoá truyền thống từ nơi An sinh ra với thế giới nơi An đóng góp phần nào tiếng đàn của mình.
Thúc đẩy sáng tác những bản nhạc guitar Việt Nam
Phóng viên: Một sự ủng hộ lớn lao từ gia đình, người nghe như vậy thì hẳn An sẽ còn có những album tiếp theo và những giấc mơ guitar mới?
An Trần: Ước mơ của An là sẽ thu được một album nhận được sự đánh giá cao, như giải Grammy chẳng hạn. Còn trước mắt An đã ký hợp đồng và tiếp tục thu đĩa cho hãng Naxos. Sau Vol.7 về nhạc Pháp này sẽ là đĩa nhạc guitar Việt Nam.
Tiếp đó, An sẽ tập trung chơi những bản mà các nhạc sĩ Việt Nam viết riêng cho mình, kết nối nguồn tài trợ nước ngoài đến trực tiếp các nhạc sĩ, đẩy âm nhạc guitar Việt Nam ra thế giới, tạo thành nền tảng guitar mới, một luồng nhạc mới cho đời sống guitar thế giới…
Phóng viên: Hẳn là phải có một trăn trở và động lực gì mạnh mẽ cho ý tưởng tuyệt vời này?
An Trần: An luôn băn khăn, kho tàng nhạc chuyển soạn guitar Việt Nam ít nhiều đã có sẵn rồi, việc của mình là làm sao trở thành cầu nối giao lưu văn hoá giữa khán giả thế giới với nhạc sĩ Việt Nam. Còn nhớ, ngày nhỏ, An chỉ mơ chơi được bản guitar Thánh Gióng do nhạc sĩ Nguyễn Thế An sáng tác. Bản nhạc 7 chương ấy có thể xem là dấu mốc của guitar Việt Nam. Vì thế, để thu album đầu tiên “Stay, my beloved”, An đã quyết tâm tập luyện trong 3 tháng để đưa bằng được giai điệu Việt Nam này ra thế giới.
Phóng viên: Đời sống guitar thế giới hiện có những thách thức gì?
An Trần: Các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển guitar bây giờ thường chỉ có người già đi nghe. Nếu các nghệ sĩ không thay đổi cách dạy, vẫn cứ khuân nắn thì chính mình sẽ hại mình. Lớp khán giả trung thành sẽ lần lượt ra đi. Không có người nghe đã đành, nhưng dần dần cũng sẽ không có người học nữa.
Việc người nghệ sĩ chơi được đủ các loại bài guitar khó nhất của thế giới cũng chỉ là chứng tỏ mình đạt được những yêu cầu cao vậy thôi. Còn để duy trì và đóng góp được cho sự phát triển của guitar thế giới cần những sáng tạo, cách khơi gợi cảm hứng mới mẻ hơn. Người ta đang dần nhận ra, việc dạy guitar không chỉ bằng cấp chuyên môn là đủ, cũng không phải kỹ thuật chơi đàn là tất cả, mà sâu xa hơn, phía sau đó là khả năng gợi mở một con đường, vượt qua những giới hạn để giúp tiếng đàn của người học thực sự cất lên, vươn xa.
Để duy trì và đóng góp được cho sự phát triển của guitar thế giới cần những sáng tạo, cách khơi gợi cảm hứng mới mẻ hơn.
— AN TRẦN—
Phóng viên: Quay lại với guitar Hà Nội, festival guitar quốc tế là hoạt động có ý nghĩa thế nào với giới guitar Thủ đô?
An Trần: Khoảng năm 2012, ý tưởng vực lại guitar ở Hà Nội của một số nghệ sĩ Việt Nam thu hút được các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế tham gia. Mặc dù năm 2023 là năm đầu tiên An thu xếp tham dự được festival guitar quốc tế tại Hà Nội, nhưng có thể nói việc hình thành sân chơi này sẽ trở thành lịch sử của guitar Hà Nội. Ngay cả ở Mỹ cũng không phải dễ tạo ra được một sân chơi như vậy, vì hoạt động này thực sự mất nhiều tâm sức, tiền bạc.
An vẫn nói với nghệ sĩ Vũ Đức Hiển-người kết nối, tạo dựng hoạt động ý nghĩa này rằng, nhìn vào những việc mà anh và các guitarist đang làm để hy vọng cho đời sống guitar Hà Nội trong 10 năm tới. Bởi loại âm nhạc này khá kén người nghe, bắt đầu từ bây giờ cho thế hệ trẻ được cọ xát nhiều với các nghệ sĩ thế giới thì 10 năm nữa chúng ta mới có những giải thưởng tầm quốc tế. Hoạt động âm nhạc là để thoả mãn tầm xa, hàng chục năm và nghĩ như thế để vượt qua những khó khăn, hạn chế trước mắt.
Về Hà Nội là về nhà. Xuống đến sân bay, chạm hương thơm bánh xà phòng trong sân bay là An đã muốn ôm tất cả màu sắc, mùi vị của mảnh đất này.
Về Hà Nội là về nhà
Phóng viên: Cảm giác của An khi trở về Hà Nội lần này?
An Trần: Thực sự, lần đầu tiên mình thấy mình có mọi thứ, có những cây đàn xịn nhất thế giới, có dây đàn được tài trợ, mình cũng phần nào đạt được ước mơ khi chơi đàn ở nhiều sân chơi quốc tế. An bây giờ cảm thấy rất bình an…!
Đặc biệt, về Hà Nội là về nhà. Xuống đến sân bay, chạm hương thơm bánh xà phòng trong sân bay là An đã muốn ôm tất cả màu sắc, mùi vị của mảnh đất này. Đi bộ trên vỉa hè Hà Nội, len lỏi giữa những hàng quán, giữa tiếng xe máy ồn ào, với An vẫn là điều tuyệt vời! Bởi mỗi khi trở về, trái tim thấy rất đầy, thấy sự yêu thương, đón nhận của khán giả Việt mà mình không tưởng tượng được.
Tâm thế trở về với những dự định tốt đẹp thì nó sẽ khiến mình luôn nhìn mọi thứ đầy tri ân.
— An Trần —
Tâm thế trở về với những dự định tốt đẹp thì nó sẽ khiến mình luôn nhìn mọi thứ đầy tri ân. Và An không bao giờ quên những người, những gì đã giúp mình đến được với sự bình yên hôm nay!
Phóng viên: Cảm ơn An! Chúc An luôn bình an và tiếp tục chạm tới những giấc mơ guitar đẹp đẽ của mình!
Ngày xuất bản: 1/1/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: HÀ AN
Trình bày: NGỌC DIỆP
Nhandan.vn