Những chiếc ghe, thuyền từ xa xưa đã luôn là hình ảnh thân thuộc gắn liền với đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Đò lên Thủ Dầu Một
Cảm ơn sông Thương chở nặng phù sa
Ghe xuôi chợ nổi Cần Thơ
Trên bến Ninh Kiều, thuyền đợi ngóng trông
– Thơ Hoài Vũ –
Với đặc điểm địa lý đặc trưng, những chiếc ghe thuyền không chỉ là một phương tiện đi lại, mà còn là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho đời sống văn hoá mang đậm dấu ấn của vùng sông nước.
Lễ hội đua ghe ngo là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của người Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long vào dịp lễ Ok Om Bok hàng năm. Lễ hội đua ghe ngo luôn khoác lên những đoạn sông êm ả những tấm áo đầy màu sắc, mang theo sự háo hức, náo nhiệt của người dân địa phương. Đây không chỉ là một cuộc thi thể thao mà còn là một sự kiện văn hóa, tâm linh quan trọng, thể hiện rõ nét nét đặc trưng tinh hoa văn hóa của người Khmer.
Ghe ngo là những chiếc ghe lớn, dài khoảng 25-30 mét, được làm từ thân cây sao, thân cây dài và chắc chắn, được chạm khắc tinh xảo và sơn phết màu rực rỡ, thể hiện sự mạnh mẽ và sức sống của người Khmer. Khi mùa lễ hội đến, các làng quê Khmer từ Trà Vinh, Sóc Trăng đến An Giang lại sôi động hẳn lên với không khí chuẩn bị cho cuộc đua. Các đội ghe ngo, gồm những thanh niên khỏe mạnh, được tuyển chọn kỹ lưỡng và luyện tập hàng tuần để sẵn sàng cho cuộc thi.
Trước khi cuộc đua diễn ra, một lễ cúng trang trọng được tổ chức để cầu mong sự bảo trợ của các thần linh, được gọi là lễ hạ thuỷ ghe Ngo.Từ ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng ghe Ngo cũng là vật thiêng liêng. Nhất cử nhất động với ghe Ngo đều phải làm lễ cầu xin.
Với niềm tin kêu gọi thần linh đến trợ giúp đội ghe đi bơi thắng lợi, người ta tổ chức buổi lễ cúng kiếng với sự có mặt đông đủ của các vận động viên và đông đảo cổ động viên trong phum sróc (xóm làng)... Không khí trang nghiêm của lễ cúng lan tỏa khắp không gian, hòa quyện với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, tạo nên một bản giao hưởng tinh tế giữa thiên nhiên và con người.
Khi cuộc đua bắt đầu, hàng ngàn người dân và du khách đổ về hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội ghe. Tiếng hò reo, cổ vũ vang dội cả một vùng trời, hòa cùng tiếng trống thúc giục, tạo nên một không khí sôi động và kịch tính. Các đội ghe ngo, với sự đồng lòng, nhịp nhàng của các tay chèo, lao vun vút trên mặt nước, như những mũi tên gỗ phóng đi trong làn nước xanh. Cuộc đua không chỉ là cuộc thi sức mạnh mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, tinh thần đồng đội và lòng tự hào dân tộc.
Bên lề cuộc đua chính, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú. Các màn biểu diễn múa lân, múa rồng, và các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố cũng thu hút sự tham gia nhiệt tình của mọi người, từ trẻ em đến người lớn. Những tiết mục văn nghệ, ca múa nhạc truyền thống do các nghệ sĩ địa phương biểu diễn, không chỉ làm phong phú thêm không khí lễ hội mà còn giúp du khách hiểu thêm về văn hóa, phong tục của người Khmer.
Ẩm thực trong lễ hội đua ghe ngo cũng là một phần không thể thiếu, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Những món ăn đặc sản Khmer như bún nước lèo, cốm dẹp (dân tộc Khmer), xôi ngũ sắc (dân tộc Tày), cà ri bò (dân tộc Chăm) được bày bán khắp nơi, mang đến hương vị độc đáo và hấp dẫn. Du khách không chỉ được no bụng thưởng thức những món ăn ngon mà còn “no” con mắt với những câu chuyện văn hóa truyền thống phong phú của người dân địa phương.
Lễ hội đua ghe ngo là một hoạt động thể thao và là dịp để người Khmer giáo dục các thế hệ con trẻ về niềm tin tín ngưỡng, tôn vinh các vị thần linh, cầu mong mùa màng bội thu và cuộc sống bình an. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, cùng nhau chia sẻ niềm vui, khắc sâu thêm lòng tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh và du lịch của địa phương.
Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer rộn ràng trong một bức tranh sống động và đầy màu sắc về văn hóa và tinh thần dân tộc. Lễ hội đua ghe ngo không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Hoàng Anh