Giai đoạn 2021 – 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cùng với những vướng mắc trong công tác bồi thường – giải phóng mặt bằng (BT – GPMB)… song, với sự hỗ trợ nhiều mặt của các cấp, các ngành, tinh thần chủ động vượt khó của các doanh nghiệp (DN), ngành công nghiệp vẫn đạt được những thành tựu đáng kể và tiếp tục giữ vai trò là ngành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với việc sản xuất ra nhiều mẫu xe ăn khách của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sẽ giúp các DN trong chuỗi cung ứng phụ trợ có thêm cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất. Ảnh: Thế Hùng
Với mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN), đưa ra các chính sách thu hút đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn được tỉnh chú trọng.
Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, DN giải quyết nhanh thủ tục hành chính (TTHC) triển khai dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng vốn đầu tư, thực hiện thủ tục điều chỉnh bổ sung mục tiêu, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án do gặp khó khăn vì dịch Covid-19, các khó khăn khác liên quan đến đất đai, giá thuê đất, thiết bị, dây truyền công nghệ dự án, hoạt động xuất nhập khẩu, các vấn đề phát sinh về lao động… giúp các dự án sớm hoàn thành dự án và đi vào hoạt động, DN mở rộng quy mô đầu tư. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã hoàn thiện chủ trương chấp thuận đầu tư, thành lập mới 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch 1.250 ha.
Để công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trở thành ngành động lực giúp ngành công nghiệp của tỉnh có tăng trưởng tốt, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 167 ngày 2/7/2021 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, Quyết định số 3663 ngày 31/12/2021 về chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 giúp Vĩnh Phúc trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Với hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của các nhà đầu tư cùng việc tích cực cải cách hành chính, duy trì và nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN (năm 2022 chỉ số chính sách hỗ trợ DN của tỉnh xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố cả nước, thuộc nhóm các địa phương có điểm số tốt nhất cả nước, đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Hồng), trong nửa nhiệm kỳ, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 117 dự án, đạt trên 77% mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 đề ra; số lượng dự án đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất tăng cao, đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy,…
Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp chung đạt 57%. Hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) cũng được chú trọng đầu tư, đến nay, đã có 16/32 CCN được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh với tổng diện tích gần 424 ha, đạt 61,5% tổng diện tích quy hoạch; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt khoảng 40%.
Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong giai đoạn 2021 – 2023 đều tăng như linh kiện điện tử tăng 22,4%/năm; quần áo các loại tăng 11,5%/năm; giầy dép thể thao tăng 11,8%/năm…
Bước sang năm 2023, do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn so với các kỳ dự báo trước và tốc độ tăng thấp hơn so với năm 2022.
Kinh tế Vĩnh Phúc với độ mở lớn, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP nên sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn với giá trị gia tăng khu vực công nghiệp giảm 1,68% so với cùng kỳ, làm giảm 0,76 điểm % tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Mặc dù vậy, với những tín hiệu khả quan như Trung Quốc mở cửa thị trường giúp DN của tỉnh có được nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào tốt hơn, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử với giá thành hợp lý; đồng thời, theo kế hoạch sản xuất năm 2023, Công ty Toyota Việt Nam giữ nguyên danh mục lắp ráp tại Việt Nam và chuyển sang lắp ráp thêm các mẫu xe mới trong nước, sẽ tạo ra sự ổn định cho ngành công nghiệp.
Ngoài ra, việc Toyota sản xuất các mẫu xe ăn khách như Vios, Innova, Veloz Cross, Avanza trong nước sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển, từ đó tạo ra sự cạnh tranh trong ngành và giúp các DN trong chuỗi cung ứng phụ trợ của Toyota có thêm cơ hội mở rộng sản xuất và phát triển.
Chính phủ đã đồng ý chủ trương và đang giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ 1/7 đến hết năm 2023.
Cùng với những giải pháp nội tại của tỉnh như tiếp tục tháo gỡ khó khăn về công tác BT – GPMB, xác định giá đất, nghiên cứu ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm sản phẩm giai đoạn 2021-2025…, kỳ vọng ngành công nghiệp của tỉnh sẽ phục hồi và phát triển hơn trong thời gian tới, tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025 đúng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra,
Lưu Nhung