Chương trình do Báo Tiền Phong tổ chức. Theo đó, trong năm học 2023-2024, chương trình Hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường-Đưa chuyên gia sẽ đến 20 trường THCS và THPT để chia sẻ, giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh các vấn đề về ứng xử văn hóa và tâm lý học đường.
Chương trình gồm nhiều chủ đề như: Ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo và ngăn chặn bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh, giảm stress trong học tập, định hướng nghề nghiệp phù hợp…
Thông qua các buổi tư vấn, học sinh được cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng để tự tin giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải, từ đó có kế hoạch học tập hiệu quả.
Phát biểu tại lễ ra mắt chương trình tư vấn tâm lý, ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nói rằng hiện nay, vấn đề liên quan đến trẻ em đang được xã hội rất quan tâm. Vì vậy, cần truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là trong môi trường học đường.
“Hiện cả nước có gần 27 triệu trẻ em, trong đó có nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Mong muốn bên cạnh chăm lo tâm lý học đường, các cơ quan, đoàn thể cần quan tâm hơn đến tâm lý trẻ em yếu thế, khuyết tật. Riêng đối với các trường học, cần tăng cường phòng chống bạo lực học đường, các vấn đề về xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích…”, ông Thắng nhấn mạnh.