Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cấp các ngành bám sát kế hoạch, triển khai một cách kịp thời các chương trình, kế hoạch đặt ra. Qua đó, từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn cấp thiết, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang được giao hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2024, tổng nguồn vốn được giao là hơn 3.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, hết tháng 8/2024 toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển là hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch; vốn sự nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát mục tiêu, nội dung Chương trình, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS.
Là địa phương có trên 97% đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, huyện Đồng Văn đã thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh. Đến nay, đời sống bà con DTTS trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Trong đó, khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.
Ông Dinh Chí Thành – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, trong giai đoạn 2020-2024, huyện được đầu tư trên 4,8 tỷ đồng để hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 624 hộ. Ngoài ra các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn đã rà soát, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.126 hộ với tổng kinh phí trên 37,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo sinh kế. Đối với đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, thụ hưởng các chính sách đặc thù.
“Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và từ các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đồng thời tích cực khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy nội lực để tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Từng bước đưa vùng đồng bào DTTS phát triển đồng đều với các địa phương khác” – ông Thành nói.
Còn tại huyện Mèo Vạc với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt, dân cư phân bố không tập trung khiến cho việc tiếp cận nước sạch trở nên khó khăn đối với người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS. Trong bối cảnh đó, dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình MTQG 1719 đã được triển khai nhằm cải thiện tình hình. Ông Nông Văn Ngay – Trưởng phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết, UBND huyện đã quyết định phê duyệt 2.107 hộ nghèo khó khăn về nước sinh hoạt có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng. Trong đó, có 1.948 hộ được hỗ trợ téc nước inox, 142 hộ tự xây bể chứa nước và 17 hộ lắp đặt đường ống tự chảy. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện xong 636 hộ/2.107 hộ, kinh phí giải ngân gần 2 tỷ đồng. Số hộ còn lại các xã đang triển khai đấu thầu các bước theo quy định. Ngoài ra, huyện còn phân bổ nguồn vốn chương trình MTQG để thực hiện xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã, phục vụ cho hơn 200 hộ gia đình với tổng nguồn vốn trên 11,4 tỷ đồng.
Đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ông Trần Đức Nghĩa – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, Chương trình MTQG 1719 được triển khai tại 2.063 thôn, tổ dân phố của 192 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang. Qua triển khai thực hiện, đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS nói riêng. Các chính sách dân tộc được triển khai đang là nguồn lực quan trọng để những địa bàn đặc biệt khó khăn giải quyết được những vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng. Từ đó, tạo động lực cho các hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dua-chinh-sach-dan-toc-den-voi-ba-con-10293962.html