Chính vì vậy, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, hiệp hội kiến nghị cho các trường ĐH được đào tạo CĐ và cho các trường CĐ được lựa chọn mô hình đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề, nhưng đều thuộc một bộ là Bộ GD-ĐT quản lý, để không bị “mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn trong liên thông”.
THIẾT KẾ ĐỂ CĐ LIÊN THÔNG LÊN TRƯỜNG ĐH ỨNG DỤNG
“Các bậc học muốn liên thông được với nhau thì cần có “tổng công trình sư” chung một nơi thiết kế chương trình. Nếu 2 bộ quản lý, mỗi bộ thiết kế một kiểu thì không thể nào liên thông, mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn. Ngay cả một bộ mà nếu không chú tâm thì cũng không làm được”, tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng lý giải.
Theo tiến sĩ Hoàng, dựa vào luật Giáo dục 2019, chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong khung trình độ quốc gia VN. Thế nhưng chương trình CĐ theo luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 cho dù đã hoàn thành cấp độ nhưng thuộc diện không được tiếp cận trực tiếp giáo dục ĐH. Trong khi đó chương trình ĐH không thiết kế theo hướng kế thừa chương trình giáo dục nghề nghiệp. Phía sau những vấn đề này có lý do là không đặt trình độ CĐ đúng chỗ.
Tiến sĩ Hoàng cho rằng từ ngày chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH, mô hình CĐ trước đây đã được tái cấu trúc lại thành các trường dạy nghề, dù là cần thiết nhưng không thể trở thành kỹ thuật viên và không liên thông lên ĐH. “Dạy nghề và CĐ chuyên nghiệp đều cần thiết. Ta đã bỏ cái cần thiết này để làm cái cần thiết kia. Nên cho các trường CĐ được chọn mô hình đào tạo nghề hay chuyên nghiệp theo sở trường của mình là cách tốt nhất. Trường nào dù chọn đào tạo chuyên nghiệp hay dạy nghề thì vẫn có thể thiết kế liên thông lên trường ĐH ứng dụng”, ông Vũ Ngọc Hoàng nhận định.
THỰC TẾ LIÊN THÔNG TỪ CĐ lên ĐH CÓ BỊ TẮC ?
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết Trường CĐ Kinh tế đối ngoại trước đây thuộc Bộ GD-ĐT, từ khi chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH trường đã phải xây dựng lại chương trình theo quy định của bộ chủ quản mới. “Là trường từng đào tạo 2 chương trình CĐ, sự khác biệt lớn nhất là chương trình của Bộ GD-ĐT thì thời lượng thực hành ít hơn, trong khi chương trình của Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu thời lượng thực hành là từ 50-70% tùy khối ngành. Khi làm lại chương trình, rất nhiều giảng viên của trường phản biện, cho là nếu xây dựng theo chương trình mới như vậy thì khó liên thông lên ĐH. Tuy nhiên, thực tế việc liên thông từ CĐ lên ĐH là hoàn toàn bình thường, không bị tắc nghẽn gì cả”.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, đứng ở góc độ người học và thị trường lao động thì chương trình đào tạo với thời lượng 50-70% thực hành giúp cho người học có được kỹ năng nghề rất tốt, ra trường có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp, được doanh nghiệp đón nhận.
Từ thực tế đó, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại đã theo định hướng chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng, với mục đích học CĐ là để đi làm chứ không phải là để liên thông. PGS-TS Nguyễn Đức Minh khẳng định chính thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp đã làm thay đổi định hướng đào tạo của trường.
Các trường ĐH có nhiều bộ chủ quản khác nhau
Hiện cả nước có hơn 200 trường ĐH và các trường thuộc bộ chủ quản (còn gọi cơ quan quản lý trực tiếp) khác nhau. Theo quyết định của Thủ tướng năm 2018, trong danh sách 50 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT, có 35 trường ĐH. Ngoài Bộ GD-ĐT, hiện có trên 30 bộ ngành và UBND tỉnh, thành trực tiếp quản lý các trường ĐH công lập (chưa kể các trường quân đội, công an). Trong đó, riêng Bộ Y tế có 14 trường ĐH và học viện và 2 trường CĐ. Bộ Công thương hiện có 9 trường ĐH, 24 trường CĐ, 1 trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Bộ Tài chính có 4 trường ĐH và 1 trường bồi dưỡng cán bộ…
Hà Ánh
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng xét ở góc độ người học thì chương trình đào tạo hiện tại với 50-70% thời lượng thực hành phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động hơn. “Nếu cho lựa chọn mô hình đào tạo thì cá nhân tôi chọn chương trình nghề, có lợi cho người học do các em được thực hành nhiều, kỹ năng tốt, ra trường bắt tay vào làm việc được ngay”, tiến sĩ Vân cho hay.
Nói thêm về vấn đề liên thông, PGS-TS Nguyễn Đức Minh cho rằng gần đây số lượng người tốt nghiệp CĐ ít liên thông lên ĐH, không phải do trường ĐH không tiếp nhận. “Lý do lớn nhất là tốt nghiệp CĐ các em được doanh nghiệp tuyển dụng ngay mà không cần phải có bằng ĐH. Có nghĩa là tư duy tuyển dụng của doanh nghiệp ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Họ không còn đòi hỏi bằng cấp, mà cần người làm được việc. Chưa kể nhu cầu lao động ở bậc CĐ và trung cấp ngày nay rất lớn, không nhất thiết phải có bằng ĐH mới có việc làm”, ông Minh nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khẳng định hiện nay không có tắc nghẽn nào giữa liên thông trình độ CĐ lên ĐH, nếu có tắc thì chỉ ở đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS có bằng tốt nghiệp trung cấp mà chưa có bằng tốt nghiệp THPT.
“Các em tốt nghiệp CĐ vẫn liên thông lên ĐH bình thường. Tuy nhiên gần đây số lượng này giảm đi rất nhiều. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp đã không còn yêu cầu bằng cấp khi tuyển dụng như trước kia”, tiến sĩ Nhân chia sẻ.