Ngày 2/6, đại diện của 175 quốc gia tham dự vòng đàm phán thứ hai của Liên hợp quốc (LHQ) về hiệp định ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa diễn ra ở Paris nhất trí sẽ soạn dự thảo đầu tiên của hiệp định này vào cuối tháng 11/2023.
Rác thải nhựa đang làm trái đất nóng lên. (Nguồn: baotintuc) |
Ủy ban thương lượng liên chính phủ kêu gọi chuẩn bị dự thảo đầu tiên về “một công cụ ràng buộc về pháp lý” trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ ba tại Nairobi, Kenya vào tháng 11 tới, với mục tiêu hoàn tất hiệp định vào năm 2024.
Quyết định trên được đưa ra tại vòng đàm phán do Pháp và Brazil chủ trì và được thông qua tại phiên họp toàn thể tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ ở Paris.
Theo Bộ trưởng Chuyển đổi hệ sinh thái của Pháp, Christophe Bechu, bước đột phá trên đạt được sau khi một số nước thực hiện chiến thuật trì hoãn và chỉ trích.
Trong hai ngày đầu của vòng đàm phán kéo dài năm ngày, tập trung vào các quy định mang tính thủ tục, các nước sản xuất nhựa lớn đã phản đối đề xuất thông qua thỏa thuận bằng hình thức bỏ phiếu, thay vì đồng thuận.
Nhà đàm phán của Mexico, Camila Zepeda, cho rằng với các xu hướng hiện nay, rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nhiều hơn cá vào năm 2050.
Trong tự nhiên, hạt vi nhựa được tìm thấy trong băng gần Bắc Cực và trong cá sống ở các tầng sâu nhất và tối nhất của đại dương. Cứ mỗi phút, lượng rác thải nhựa tương đương một xe tải chở rác lại được đổ vào các đại dương.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bên cạnh tác động đến môi trường, nhựa cũng đang làm Trái đất nóng lên, chiếm hơn 3% lượng khí thải của toàn cầu vào năm 2019.
Với các xu hướng hiện nay, sản lượng nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch hàng năm sẽ tăng gần gấp 3 vào năm 2060, lên 1,2 tỷ tấn, trong khi lượng rác thải nhựa sẽ vượt 1 tỷ tấn.