DNVN – Chia sẻ tại tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu” ngày 16/10, ông Hoàng Trung Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 bày tỏ lo ngại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu sẽ rất khó khăn cho các nhà phân phối nhỏ lẻ.
Phát biểu tại tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”, Phó Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Đồng thời, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”. Nghị quyết cũng đã đưa ra các giải pháp với những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững.
Tọa đàm “Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu”.
Hiện nay, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng, trong đó, Điều 14 quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối. Dự thảo không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau, nhưng thương nhân đầu mối lại có quyền được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác.
Xung quanh quy định này, có nhiều thương nhân phân phối cho rằng, như vậy là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Luật Cạnh tranh và Điều 6, Điều 10, Điều 11 của Luật Thương mại.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Trung Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay đang vận dụng theo mô hình quản lý hàng dọc. Đó là phân phối từ đầu mối bán cho thương nhân phân phối, thương nhân phân phối cấp xuống đại lý và đại lý bán cho cửa hàng để cửa hàng bán lẻ cho người dân.
“Trong chuỗi phân phối này thường xuyên có sự nghi ngờ về hoa hồng chiết khấu giữa các bậc phân phối thấp. Nhà nước đã ấn định giá trần xăng dầu nên hoạt động kinh doanh không thể nhảy qua mức giá đã quy định.
Nếu giá giảm xuống, đầu mối nhập về lỗ trước nên buộc phải siết chiết khấu để giảm lỗ cho mình trước. Các nấc phân phối sau cũng sẽ thực hiện tương tự và thương nhân bán lẻ, các cửa hàng phân phối sẽ không còn gì. Đó chính là nút thắt”, ông Dũng nhấn mạnh.
Để cho hệ thống phân phối xăng dầu đạt được tiêu chí bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ đời sống dân sinh, theo ông Dũng, điều cơ bản nhất là phải đủ chi phí vận hành của hệ thống. Từ đó, chuỗi cung ứng được duy trì, hoạt động ở mức độ tối thiểu là hòa vốn. Phải có một chút tích lũy cho chủ đầu tư, cho cổ đông và những người góp vốn vào doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu.
Điều bất cập nhất trong cơ chế chiết khấu hiện nay là nếu dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu không cho thương nhân phân phối, mua bán tự do lẫn nhau và chỉ mua từ đầu mối thì sẽ rất khó khăn cho các nhà phân phối nhỏ lẻ. Vì nếu tất cả các đầu mối đều lỗ thì các doanh nghiệp phân phối sẽ mua hàng của ai khi chiết khấu của các đầu mối ngang nhau.
Ông Hoàng Trung Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 chia sẻ tại tọa đàm.
Phần chiết khấu không đủ bù chi cho chi phí vận chuyển thì các doanh nghiệp tư nhân, chủ cây xăng hoặc công ty phân phối đều lỗ, dẫn tới tình trạng khan hàng xảy ra. Bên cạnh đó, sau ngày điều chỉnh giá, khi giá xăng dầu được liên bộ nâng giá lên thì tự nhiên hàng hóa rất sẵn. Điều này cho thấy, rõ ràng là đầu mối giữ hàng lại và họ cũng siết chiếc khấu để chống lỗ cho họ.
“Chúng tôi cho rằng, thương nhân phân phối, doanh nghiệp cần được quyền mua, bán xăng dầu trực tiếp. Về luật, chúng tôi cần được đối xử bình đẳng trong kinh doanh”, ông Dũng bày tỏ.
Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 kiến nghị Nhà nước cần điều chỉnh cơ chế điều hành để các thành viên, đặc biệt những doanh nghiệp ở cấp thấp như thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ có một chiết khấu để họ đủ duy trì hoạt động và có lãi.
Cùng đó, các thương nhân phân phối phải được mua từ đầu mối và được mua bán lẫn nhau. Cụ thể, thương nhân phân phối được quyền mua trực tiếp từ hai nhà máy lọc hóa dầu của Nghi Sơn và Bình Sơn.
Hoài Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/du-thao-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-co-gay-kho-cho-cac-nha-phan-phoi-nho-le/20241016024835678