Đầu mối và phân phối định đoạt giá bán lẻ?
Trong kinh doanh xăng dầu, có 3 tầng nấc gồm: doanh nghiệp đầu mối (sản xuất và nhập khẩu), doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Một số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, điều bất hợp lý là doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn (cấp 1) có cả hệ thống phân phối (cấp 2) và chuỗi cửa hàng bán lẻ (cấp 3). Thương nhân phân phối cũng có hệ thống cửa hàng bán lẻ và đại lý (cửa hàng bán lẻ ngoài hệ thống – cấp 3).
Trong khi đó, cấp đại lý (doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu- cấp 3) chỉ có quyền bán lẻ tại các cửa hàng. Theo dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được quyền định cả giá bán buôn và giá bán lẻ, còn thương nhân phân phối được quyền ra giá bán lẻ cho hệ thống. Như vậy, giá bán lẻ của doanh nghiệp bán lẻ sẽ được doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối định đoạt. Trong khi lực lượng đưa từng lít xăng, dầu đến tận tay người tiêu dùng là doanh nghiệp bán lẻ lại không có quyền gì.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng), nhận xét: Dự thảo vẫn đang lúng túng trong các quy định về phân quyền, chi phí, giá cả… Cụ thể, trao toàn bộ quyền quyết định giá cho đầu mối là không khách quan, dễ gây lũng đoạn thị trường và không đảm bảo tính tự do thương mại. “Theo tôi, cần thực hiện đúng 3 mức chi phí và giá bán: mức chi phí và giá bán buôn ở cấp 1 do đầu mối định đoạt; chi phí và giá bán buôn cấp 2 do phân phối định đoạt; chi phí và giá bán lẻ ở cấp 3 do doanh nghiệp bán lẻ định đoạt. Ngoài ra, việc mua bán xăng dầu số lượng lớn không qua trụ bơm phải do doanh nghiệp bán lẻ thực hiện. Thay vì chỉ cho doanh nghiệp đầu mối và phân phối thực hiện. Doanh nghiệp bán lẻ có khách hàng thương mại lớn, lại là đầu ra cuối cùng trong chuỗi phân phối, nhưng không được bán sỉ là điều vô lý. Nghị định nên phân tách rõ ràng 3 cấp về chi phí và cấp nào chịu trách nhiệm ở cấp đó thì thị trường mới ổn định được”, ông Thắng nhấn mạnh.
Còn bao nhiêu cây xăng chưa lập hóa đơn điện tử xăng dầu?
Việc không có chế tài về quyền định giá và nghĩa vụ bán hàng như nghị định mới sẽ khiến doanh nghiệp đầu mối với quyền hạn tự ra giá bán buôn và bán lẻ, là hình thức có lợi chỉ cho doanh nghiệp cấp 1 và nguy cơ “ép” doanh nghiệp bán lẻ rất cao. Từ đó, dễ diễn lại tình trạng gián đoạn nguồn cung khi giá thế giới tăng vọt, hoặc chiết khấu 0 đồng…
Lãnh đạo một DN bán lẻ xăng dầu dẫn chứng, năm 2022, khi giá thế giới tăng mạnh, các điều chỉnh về phí chưa kịp sửa đổi, cập nhật, nhưng báo cáo cuối năm, doanh nghiệp đầu mối lớn, có tính chi phối thị trường vẫn báo lãi lớn trong khi loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa đều lỗ te tua. “Điều này chứng tỏ phần chi phí trong bán hàng của khâu bán lẻ đã bị các tầng nấc trên trong hệ thống phân phối lấy hết, triệt tiêu hoàn toàn chi phí tối thiểu về cho bán lẻ. Trong khi đó, quy định tại Thông tư 103, chi phí kinh doanh định mức bao gồm cả bán buôn và bán lẻ”, vị này nói
Trao quyền cho doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là không phù hợp
Góp ý cho dự thảo, ông Văn Tấn Phụng – Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai – nói, để đảm bảo công bằng, nên quy định doanh nghiệp đầu mối phải bảo đảm nguồn nhập khẩu theo phân giao. Bên cạnh đó, để tạo thế cạnh tranh, các đầu mối lớn chỉ bán cho các đơn vị bán lẻ trong hệ thống, không được ký bán cho doanh nghiệp bán lẻ bên ngoài. Nếu muốn bán cho đơn vị ngoài hệ thống thì phải qua thương nhân phân phối (cấp 2) bán về cho doanh nghiệp bán lẻ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chuyển giá. Ngoài ra, ông Phụng cũng đề xuất Bộ Công thương cần rà soát lại hệ thống doanh nghiệp đầu mối. Bởi trong thời gian qua, qua kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã có những sai phạm kéo dài về quản lý Quỹ bình ổn giá, về tạo nguồn, cung ứng…
“Thị trường xăng dầu cần có sự sắp xếp lại trên cơ sở rà soát, thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém, tay không “bắt giặc” lâu nay do không đủ năng lực. Đặc biệt, cần rà soát lại doanh nghiệp phân phối là sân sau của đầu mối. Khi chưa rà soát, lại tiếp tục giao cho đầu mối một quyền quá lớn, e rằng thị trường xăng dầu khó ổn định, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng như kỳ vọng”, ông Văn Tấn Phụng chia sẻ và đề xuất cho các thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất trong nước, không nên bắt buộc phải mua qua đầu mối, nhằm giảm chi phí.
“Thương nhân phân phối không được nhập khẩu, nhưng họ có kho, tài chính, xe bồn… để có thể mua hàng trực tiếp từ nhà máy. Tại sao cứ phải để thương nhân phân phối đi đường vòng, mua qua đầu mối, trong khi kho của họ đặt ngay sát hông nhà máy lọc dầu?”, ông Phụng thắc mắc.
Một số chuyên gia cho rằng, khi Tập đoàn Xăng dầu VN đang nắm hơn 50% thị phần là độc quyền, nhưng trao cho doanh nghiệp quyền định giá bán buôn và bán lẻ là không phù hợp. Thế nên, cần có sự chế tài trong việc lựa chọn ký kết hợp đồng, quyền và trách nhiệm bán hàng giữa 3 khâu: đầu mối – phân phối – bán lẻ. Các chi phí trong từng khâu cần được công khai minh bạch.