(PLVN) – Đó là nội dung được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ quý III, được tổ chức vào ngày 23/10.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời các câu hỏi liên quan đến dự thảo Luật Điện lực sửa đổi tại cuộc họp báo. (Ảnh: PV) |
(PLVN) – Đó là nội dung được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ quý III, được tổ chức vào ngày 23/10.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, dự án Luật Điện lực sửa đổi có 6 chính sách lớn bao gồm:
Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Ông Hòa khẳng định, dự thảo Luật được sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Điện lực theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn; Bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; Bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế nhưng “Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi này không bổ sung chính sách mới”.
Đáng chú ý, ông Hòa cho biết, do Luật chỉ đưa vào những vấn đề đã rõ, ổn định lâu dài nên chỉ mang tính nguyên tắc chủ trương để có thể sửa chữa những vướng mắc, bất cập; Những gì còn chưa rõ sẽ được quy định tại các nghị định, thông tư.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi có nhiều nội dung mới, đặc biệt các nội dung liên quan đến năng lượng tái tạo – là những nội dung chưa có nhiều thực tiễn để kiểm nghiệm, đòi hỏi cần phải có sự linh hoạt điều hành trong từng thời kỳ; Trong đó, có đề cập đến điện năng lượng mới, đặc biệt là điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi.
Đồng thời, dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách liên quan đến giá điện như cơ cấu biểu giá điện, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các dự án, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết. Cụ thể, so với Luật Điện lực 2004, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định, cập nhật để giải quyết các vướng mắc về bù chéo giá điện trong thời gian qua.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của các đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực, có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện; Đồng thời sửa đổi các nội dung về thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định tùy thuộc tình hình kinh tế – xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả…
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm và thấy rằng trong xu thế hiện nay, trước sức ép từ câu chuyện năng lượng tái tạo, một số nước đã có sự phát triển gấp gáp điện hạt nhân. Tuy nhiên, phải xác định, với điện hạt nhân, phải cố gắng đưa mức rủi ro về 0. Đồng nghĩa với việc phải áp dụng công nghệ mới tiên tiến, đã được áp dụng thực tiễn để đảm bảo tối đa an toàn.Về thời điểm bắt đầu phát triển điện hạt nhân và khả năng tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết phải tuỳ thuộc vào ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, sau khi các bộ, ngành liên quan đã hoàn tất quá trình nghiên cứu và trình báo cáo.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả những văn bản liên quan để triển khai được Luật Điện lực sớm nhất, chỉ chờ Luật được thông qua.
Liên quan đến quy chế bao tiêu sản lượng của các nhà máy điện khí, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, đây là điều kiện cần để các nhà đầu tư có thể xây dựng phương án tài chính, tuy nhiên bao tiêu sản lượng bao nhiêu, ở mức nào còn phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể của từng dự án, do đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết những nội dung này để phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội từng thời kỳ để đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện quốc gia.
Nguồn: https://baophapluat.vn/du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-da-bo-sung-de-giai-quyet-cac-vuong-mac-ve-bu-cheo-gia-dien-post529536.html