Sà-lúp của chúng tôi ngược dòng trong một tiếng rưỡi đồng hồ, trong một khung cảnh, đôi chỗ, khiến chúng tôi ngỡ như là vùng nông thôn Ai Cập, nơi xa xôi nào đó của vùng châu thổ. Ở bên trái, những đụn cát trắng xóa che khuất biển nằm ngay kế bên, ta còn nghe rõ tiếng sóng biển vỗ ầm ầm như sấm. Bên phải vẫn là cát, bị gió biển lướt qua cồn cát cuốn đi: không chất thành đống mà chỉ nằm rải rác trên vùng đồng bằng phù sa dưới dạng bột mịn, nơi những mảng mi ca lấp lánh xen giữa màu xanh nhạt.
Đây đó, các khu vực trồng trọt được phân thành từng dải cách nhau khá rộng, những cánh đồng lúa trải dài dưới chân sườn đồi phủ đầy bụi, hiện tượng cát xâm lấn được ngăn chặn bằng hệ thống tưới tiêu, vùng đất cằn cỗi lại được chăm bón, mùa màng tươi tốt ở vùng nước lợ.
Một số rãnh tháo nước sâu dẫn nước trực tiếp từ sông vào và khi mặt đất quá cao, việc sử dụng hệ thống kênh dẫn nước phức tạp không còn phù hợp, người ta tiến hành đào giếng theo từng quãng; hàng loạt gàu tre quấn quanh chiếc tời thô sơ do một người vận hành. Đôi khi dụng cụ này hoạt động nhờ vào một con trâu với bước đi chậm chạp và bóng dáng bị phóng đại quá mức dưới bầu trời bao la.
Trên bờ ruộng, hàng đoàn người lao động tất bật nạo vét mương máng và be bờ bằng đất sét. Họ cởi trần và ngồi xổm, đầu đội nón lá cọ to như chiếc lọng, nhìn họ không còn giống người nữa mà như là những bông hoa dại khổng lồ chen lẫn giữa đám cỏ cao và bụi kim tước.
Thi thoảng, gần ngôi nhà tranh, một người phụ nữ xuất hiện, nhóm lửa hoặc đi múc nước từ chum. Cô thay cái nón cồng kềnh bằng một chiếc khăn quấn quanh đầu: từ xa, với chiếc áo thụng sẫm màu, lùng thùng, để lộ ra làn da màu đồng, khiến chúng tôi ngỡ đó là một phụ nữ Bắc Phi đang gánh nước, dù dáng người cô nhỏ bé, gầy gò.
Thuyền của chúng tôi ghé vào sâu một vịnh nhỏ, cách ba ngọn đồi chừng 1/4 dặm, ngọn cao nhất chỉ 150 mét. Nhưng sự cô lập và ánh sáng phản chiếu khiến kích thước của chúng lớn hơn nhiều; “núi” là từ mà ta suýt thốt ra khi thấy những khối đá cẩm thạch, với các cạnh lởm chởm kỳ lạ, nổi lên giữa hai khoảng không, đại dương và đồng bằng vô tận, xanh ngắt như nước biển, nơi chân trời.
Trong suốt 45 phút, chúng tôi ngụp lặn trong lớp bụi bốc cao tận đầu gối. Không có thực vật nào khác ngoài vài nhánh cỏ khô giòn và bụi cây đậu kim với tán lá thưa thớt, màu xám. Thêm một đụn cát nữa, và rồi chúng tôi tới chân ngọn núi chính với 300 bậc thang tạc vào đá, trong đó 20 bậc đầu tiên đã bị cát vùi lấp.
Đường lên núi không dài nhưng rất mệt, dưới ánh mặt trời ban trưa thiêu đốt vách đá phía Tây, châm lên một tia lửa ở mỗi chỗ nhấp nhô. Nhưng càng lên cao, gió biển thổi mát rượi, như tiếp thêm sinh lực và làm ta phấn chấn hẳn lên, độ ẩm của nó tích tụ trong những vết nứt nhỏ nhất, tạo điều kiện cho cây gai tường và các loài hoa bừng nở với đủ sắc thái.
Đám xương rồng khổng lồ vút lên như hỏa tiễn ở khắp nơi. Các bụi cây chồng chéo lên nhau, rễ cây bò ngang dọc, ngoằn ngoèo, len lỏi qua những phiến đá; các cành cây đan xen vào nhau và thắt nút. Và chẳng mấy chốc, trên đầu chúng tôi là một vòm cây bụi bám đầy sợi tơ rất khó nhận thấy, là một vòm cây phong lan đang vào mùa nở rộ, tuyệt đẹp, mong manh tựa như cánh bướm khi có cơn gió nhẹ thổi qua, loài hoa này sớm nở, tối tàn chỉ trong một ngày.
Đoạn đường dốc đứng dẫn tới một thềm bán nguyệt: một ngôi chùa nhỏ hay đúng hơn là ba gian lợp mái ngói tráng men, diềm mái chạm trổ theo kiểu Trung Hoa, được xây dựng trong không gian tĩnh mịch này theo lệnh của vua Minh Mạng, Hoàng đế An Nam, cách đây khoảng 60 năm. Những gian nhà này, bao quanh là một vài khu vườn nhỏ được chăm sóc cẩn thận, không còn dùng cho việc thờ cúng nữa mà là tịnh thất của sáu nhà sư – những người bảo vệ ngọn núi linh thiêng này. Họ sống ở đó, trong không gian tĩnh lặng, ngày ngày tụng kinh và làm vườn. Thi thoảng, một vài người dân tốt bụng mang đến cho họ vài thúng đất để duy trì vườn rau và một ít thực phẩm ngon như gạo, cá muối. Đổi lại, những người dân này được phép lễ bái tại chính điện, nơi mà du khách hành hương lần đầu rất khó tìm thấy nếu không có người chỉ dẫn.
Ngôi chùa vô song này không được xây dựng bằng lòng mộ đạo của các bậc quân vương. Thiên nhiên đã thực hiện nhiệm vụ đó; chưa từng có bản phác thảo của một kiến trúc sư lỗi lạc nào, chưa có mộng tưởng của một thi sĩ nào có thể sánh với kiệt tác sinh ra từ biến cố địa chất này. (còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu trích từ cuốn sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-ky-viet-nam-du-ngoan-tai-ngu-hanh-son-185241207201602863.htm