Cơn bão Yagi đi qua để lại những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc. Trong bối cảnh đó, tái thiết sau bão lũ trở thành nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để khôi phục lại cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Tái thiết sau bão lũ chia sẻ về những nỗ lực khắc phục hậu quả, giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc hơn trước những thách thức của thiên tai.
Nhìn cảnh từng tốp học sinh ríu rít ùa ra sân chơi sau giờ tan học khi nắng thu lấp ló một chiều cuối tháng 9, ít ai ngờ chỉ hơn 2 tuần trước, thầy và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi những vạt núi phía trước ụp xuống với âm thanh váng óc.
Dư âm của cơn bão lũ vẫn còn, không chỉ trong ký ức của thầy cô, học sinh mà cả ở những “vết cứa” màu trắng nhởn giữa màu xanh rừng núi hay góc sân vận động của trường với ngổn ngang đất đá, gốc cây sau cơn lũ quét.
Buổi chiều Chủ nhật trước khi xảy ra cơn lũ, Lý Thị Dùa (lớp 7) và Lý Thanh Chiêu (lớp 5) được bố đưa trở lại lớp sau hơn một ngày về với gia đình. Cả hai chị em không biết, đó là lần cuối cùng mình được gặp bố. Bố của Dùa và Chiêu – anh Lý A Giấy, vốn là trưởng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, đã bị đất đá lấp trôi khi đi hỗ trợ người dân di dời tài sản khỏi nơi sạt lở sáng 9/9. Phải tới hôm sau, Dùa mới hay tin về bố.
“Lũ cuốn bố đi không thấy rồi”, Dùa nghẹn ngào nói với Chiêu. Thằng bé nghe chị nói xong bật khóc nức nở. Ngày hôm sau, hai chị em được thầy cô và gia đình tìm cách đưa về. Con đường từ trường về nhà khi ấy cũng bị sạt lở, ngập ngụa đất bùn.
Dùa và Chiêu là hai trong số các học trò của Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Trung Lèng Hồ có gia đình bị thiệt hại nặng nề sau bão lũ. Thầy Trần Xuân Thú, hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoài những học sinh mất bố hoặc mẹ, còn 8 em có nhà bị vùi lấp hoàn toàn.
Chưa bao giờ người dân trong xã và giáo viên chứng kiến trận thiên tai kinh hoàng như thế. Đất ào ào đổ xuống, đứng từ trường nghe thấy tiếng nổ “ùng” như bom. Nhà hỏng, cây đổ, mất điện, sóng liên lạc cũng không còn. Hơn 30 thầy cô cùng 176 em học sinh bán trú phải cùng nhau tự trấn an, xoay sở giữa lúc trường bị cô lập.
Cô Triệu Thị Trang, giáo viên khối 9, đến giờ vẫn còn ám ảnh tiếng gào thét của học sinh khi tận mắt chứng kiến những ngọn núi trước trường bị sạt lở. Vừa di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, cô vừa phải trấn an các em: “Có thầy cô ở đây, đừng sợ!”.
Đêm hôm đó, toàn bộ ban giám hiệu và thầy cô gần như thức trắng. Trời vẫn liên tục đổ mưa to, các thầy cô phải cắt cử trực trông cho học sinh ngủ.
Những ngày sau đó, trường bị cô lập hoàn toàn. Thực phẩm không thể lên tới nơi, trong khi đồ ăn dự trữ dần cạn kiệt, mỗi thầy cô có gì góp nấy để đủ nấu ăn cho học trò. “Có bữa, thầy cô gom tất cả cũng chỉ vỏn vẹn 5 quả bí xanh. Nhà bếp đem ra nấu hết cho hơn 170 trò”, thầy Thú nhớ lại.
Chỉ đến khi đường đi lại được thông, các đoàn tiếp tế có thể tiếp cận, thầy Thú mới thở phào vì “không còn quá lo về cái ăn cho học trò”. Nhưng để đem được đồ ăn về trường không dễ. Khi nhiều đoạn đường bị sạt lở, trơn trượt, tất cả thầy cô phải vừa lội bùn, vừa vác thực phẩm suốt hàng giờ đồng hồ, trên con đường ngày thường vốn chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ.
Vừa lò dò đi, cô Trang vừa cầm chiếc gậy chọc chọc phía trước để xem có khu vực nào bùn sâu, bị lún hay không. Theo sau đó là thầy hiệu phó và một số thầy cô giáo khác, trên vai vác đầy những bao tải gạo, khoai tây.
Giải quyết được vấn đề thực phẩm nhưng nước sạch vẫn chưa có. Thầy hiệu trưởng lại đi đến nhà từng hộ dân quanh trường để xin nguồn nước sạch phục vụ cho việc nấu nướng, sinh hoạt. Suốt mấy ngày, người dân dùng nước ban ngày, ban đêm, thầy cô lại chia ca trực để bơm đầy bể, đủ cho học sinh dùng trong ngày hôm sau.
“Trong bão lũ, mình không thể nghĩ được gì nhiều, cứ thế lao vào làm. Không để học sinh bị đói bụng, thiếu nước sinh hoạt là điều thầy cô ưu tiên trước nhất”, thầy Thú nói. Cũng chính lúc này, các thầy cô lại trở thành điểm tựa vững chắc nhất cho tất cả học trò.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Trung Lèng Hồ sau lũ may mắn không bị thiệt hại về người, nhưng nhà vệ sinh, sân thể dục và bếp nấu ăn đều hư hại nặng. Ngoài cơ sở vật chất, ngay ngày hôm sau, thầy Thú cũng đã tổng hợp thông tin về những trường hợp gia đình học sinh chịu cảnh mất mát, hư hại. Bất cứ khi nào có các nhà hảo tâm tới cứu trợ, thầy đều “xin” cho những học sinh này trước tiên.
Ngôi trường sau cơn lũ vẫn còn ngổn ngang. Thầy Thú nhìn nhận “nửa tháng qua là quãng thời gian không hề đơn giản”. Nhưng may mắn đến nay, việc dạy và học cũng dần đi vào ổn định. Ngoài giờ dạy, các thầy cô vẫn tranh thủ dọn dẹp những nơi có thể cạo rửa. Ở những khu vực bùn đất chất cao, không thể can thiệp bằng sức người, trường chỉ có thể trông chờ vào máy móc.
Bên cạnh việc tái thiết lại trường học, vấn đề ổn định tâm lý cho học sinh cũng được ưu tiên. Trong số 8 em có nhà bị lũ cuốn trôi, Lý Tiền (lớp 9) ở thôn xa nhất. Vài ngày sau cơn lũ, cô giáo chủ nhiệm của Tiền cũng đến tận thôn Pờ Hồ, động viên em quay trở lại trường. Nhà không còn nữa, cả gia đình Tiền đang phải ở lán tạm cách khu cũ không xa.
Cô giáo phải thuyết phục mãi, cả hai vợ chồng mới yên tâm cho con trở lại trường.
Giống như Tiền, nhà của Lý A Long, thôn Phìn Páo cũng đã bị đất đá vùi lấp. Đến nay, cả gia đình 5 người của em vẫn phải ở tạm nhà rác của thôn – nơi đằng sau vẫn còn nguy cơ sạt lở. Long lo lắng không biết bố mẹ lấy tiền đâu để dựng lại nhà.
Mấy ngày này đi học, Long xúc động trước tấm lòng của thầy cô và các nhà hảo tâm. “Em được nhận mì tôm, cặp sách và cả tiền nữa. Em sẽ đưa mẹ để làm lại một căn nhà mới”, Long nói.
Khi những hiểm nguy đã qua đi, lương thực không còn là vấn đề khẩn thiết, trong khối lượng công việc tái thiết ngồn ngộn, việc chăm lo để học sinh yên tâm tới trường vẫn được thầy cô ưu tiên hàng đầu.
Thầy Nguyễn Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sàng Ma Sáo, cho biết những ngày vừa qua, nhà trường nỗ lực kêu gọi hỗ trợ của các mạnh thường quân, từ xà phòng, dầu gội, kem đánh răng, bàn chải, chậu rửa mặt… cho học sinh, giúp phụ huynh yên tâm khắc phục hậu quả sau bão lũ, tái thiết lại cuộc sống.
Trong bão lũ, mặc dù cơ sở vật chất của Trường PTDTBT THCS Sàng Ma Sáo không bị hư hại quá nhiều nhưng khoảng 60 học sinh có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay khi mưa dứt, đường có thể tạm đi lại, các thầy cô cố gắng hỗ trợ học trò được đoàn tụ với gia đình để các em ổn định tâm lý sau những ngày hoang mang, lo lắng khi chứng kiến khu bán trú bị sạt lở hay biết tin nhà mình bị cuốn trôi, thiệt hại…
Cô Phùng Thị Hoa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi đó, một số em được người nhà đến đón, nhưng nhiều em ở xa, bố mẹ bận khắc phục sau mưa lũ nên một số thầy giáo lấy xe máy chở các trò về.
Đường đoạn thì dốc cao trơn trượt, chỗ lầy lội hoặc bị cây đổ, đá lăn chắn ngang nên vài lần các thầy phải thay nhau lội bùn, ủn xe. Khi hầu như tất cả học sinh đã được đón hoặc đưa về nhà, thầy cô cũng về với gia đình, còn lại một em lớp 9, vì nhà xa và đường về vẫn chưa thông nên phải ở lại.
“Nhìn mặt học trò buồn như sắp khóc, tôi chỉ biết động viên ‘em cứ yên tâm ở lại đây với cô, cô có gì trò dùng nấy’. Thấy em mặt buồn so, không nói, tôi hỏi ‘em muốn về đúng không?’. Thấy cô bé gật đầu rồi kể có chị gái ở gần hơn, tôi cử một thầy giáo đưa em về đó”, cô Vũ Thị Hoa, Phó hiệu trưởng trường kể lại. Bản thân cô suốt 2 tuần liền túc trực tại trường, khi mọi việc tạm ổn, học sinh quay trở lại nhịp học bình thường, cô mới yên tâm về với gia đình ở Thành phố Lào Cai.
Cô Hoa cho biết thêm, sau đợt mưa lũ, để trở lại nhịp dạy và học bình thường, các thầy cô cũng cắt cử nhau đi từng thôn, băng qua các đoạn đường nhiều điểm sạt lở đến tận nhà học sinh để động viên gia đình cho con quay lại và yên tâm xuống trường. Hành trang của thầy cô còn có thêm những đồ dùng thiết yếu và thực phẩm cứu trợ cho học sinh và gia đình.
Đến khi xuống trường, thầy cô lại trở thành điểm tựa cho các em. “Ngoài dạy chữ, thầy cô còn tâm sự, chia sẻ và chăm lo miếng ăn, giấc ngủ để các em yên tâm học tập”, thầy Vinh nói.
Gần giữa trưa, nghe tiếng đồng ca trong trẻo vang lên từ tiết âm nhạc ở một lớp học ở góc tầng 2, rồi nhìn đám học trò vừa đá cầu vừa chí chóe trêu nhau giữa sân trường, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Vinh xúc động “nhịp bình yên đã trở lại”. Thầy kỳ vọng, với sự nỗ lực, tình cảm ấm áp và sự chăm sóc đủ đầy của thầy cô, sẽ không có em nào buộc phải rời trường lớp sau bão lũ. Vượt lên tất cả những mất mát, việc học của các em vẫn không bị đứt đoạn. Trường học sẽ là điểm khởi đầu và nâng bước, giúp học trò tiếp tục vươn xa ra ngoài thôn bản.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thay-loi-bun-2-tieng-vac-khoai-gao-ve-truong-co-thuc-dem-canh-cho-tro-ngu-2326614.html