Dữ liệu trong nước nói 2
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm nhiều biến động. Trong đó, cổ phiếu một số đại gia sụt giảm mạnh khiến danh sách số lượng tỷ phú đô la của Việt Nam chỉ còn 2 người. Con số này năm 2022 là 6 người, năm 2021 là 8 người.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup tiếp tục là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên đến 92.803 tỷ đồng (tương đương 3,8 tỷ USD).
Tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vượng được tính thông qua cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, qua hình thức sở hữu trực tiếp và gián tiếp. Giá trị cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của ông Vượng cao vượt trội so với các đại gia còn lại.
Tỷ phú đô la thứ hai và cũng là tỷ phú đô la cuối cùng của Việt Nam trong năm 2023 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát với 41.925 tỷ đồng (khoảng 1,72 tỷ USD).
Trong năm 2023, HPG là cổ phiếu đại gia hiếm hoi không những không suy giảm mà còn cải thiện đáng kể. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, HPG dừng ở mức 27.950 đồng/CP, tăng 9.950 đồng/CP, tương đương 55,3%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát có thêm 57.857 tỷ đồng.
Là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long khối tài sản có thêm 14.253 tỷ đồng.
Một số đại gia không còn là tỷ phú đô la nhưng vẫn nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có thể kể đến như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Hãng hàng không Vietjet (23.739 tỷ đồng), ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunshine (23.206 tỷ đồng), ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank (19.010 tỷ đồng), ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (18.413 tỷ đồng).
Forbes “bảo” 6
Có thể thấy, theo dữ liệu cổ phiếu trong nước, tới cuối năm 2023, Việt Nam chỉ còn 2 tỷ phú đô la là ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long. Tuy nhiên, theo danh sách do Forbes công bố, Việt Nam có tới 6 tỷ phú đô la.
6 tỷ phú đô la của Việt Nam mà Forbes thừa nhận chính là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương và gia đình, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang.
Theo Forbes, lượng tài sản của các tỷ phú Việt đều cao hơn dữ liệu cổ phiếu tại Việt Nam.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, theo Forbes, giá trị tài sản mà ông Phạm Nhật Vượng sở hữu có giá trị lên đến 4,7 tỷ USD (khoảng 114.68 tỷ đồng), tăng nhẹ so với con số 4,3 tỷ USD hồi đầu năm 2023. Hiện tại, ông Vượng đang là người giàu thứ 633 trên thế giới.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo “chỉ” sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 23.739 tỷ đồng (khoảng 973 triệu USD) nhưng theo Forbes, khối tài sản của bà Thảo cao hơn rất nhiều, lên đến 2,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2,2 tỷ USD hồi đầu năm nay.
Theo dữ liệu trong nước, ông Trần Đình Long là người giàu thứ hai Việt Nam nhưng theo dữ liệu của Forbes, ông Long đứng ở vị trí thứ ba với 2,3 tỷ USD. Tài sản của ông Long đã tăng mạnh so với con số 1,8 tỷ USD hồi tháng 3 năm nay.
Ông Trần Bá Dương chưa bao giờ lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vì Thaco, tập đoàn chính của ông Dương chưa có cổ phiếu niêm yết. Dù vậy, nhiều năm qua, Forbes vẫn đưa ông vào danh sách tỷ phú đô la của Việt Nam với tài sản đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang khép lại danh sách tỷ phú đô la của Việt Nam với khối tài sản lần lượt là 1,4 tỷ USD và 1 tỷ USD. Cả hai tỷ phú này đều sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan và cổ phiếu TCB của Techcombank.