Để chủ động đổi mới và thích ứng, tạo động lực đột phá cho hoạt động thống kê, Cục Thống kê Thanh Hóa đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, phục vụ kịp thời việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các cấp, ngành.
Cán bộ Cục Thống kê Thanh Hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập và xử lý thông tin thống kê.
Cục Thống kê tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành biên soạn, cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương. Trong 2 năm (2020 – 2021), trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Thống kê tỉnh đã thu thập nhiều thông tin chuyên sâu và phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo các kịch bản tăng trưởng với các giải pháp cụ thể để lãnh đạo địa phương có thêm thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Năm 2023, ngay từ đầu năm, Cục Thống kê tỉnh đã ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát chung theo QĐ số 56/QĐ-CTK ngày 15-2-2023. Ngoài 145 kỳ thanh tra được duyệt, hằng quý, Cục Thống kê thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát tại 11 đến 12 huyện, thị xã, thành phố trong quý. Nội dung kiểm tra, giám sát gồm: triển khai tập huấn nghiệp vụ, tuyển chọn đội ngũ điều tra viên, rà soát danh sách đơn vị điều tra và kiểm tra, giám sát đội ngũ điều tra viên thực hiện tại đơn vị điều tra…
Xác định công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo là chìa khóa của mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động thống kê ngay thời điểm hiện tại và trong tương lai, Cục Thống kê đã nhanh chóng triển khai xây dựng và áp dụng nhiều phần mềm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng trong hoạt động. Việc thu thập, tổng hợp thông tin thống kê của Cục Thống kê tỉnh đã tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong phân tích, xử lý dữ liệu kịp thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các cấp, các ngành, hướng đến tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành. Đặc biệt, trong công tác điều tra, thu thập và xử lý thống kê, đã cơ bản ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Trong đó, chủ yếu sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp điền thông tin vào phiếu hỏi điện tử với sự trợ giúp của máy tính bảng, điện thoại thông minh (CAPI) và đối tượng cung cấp thông tin tự điền thông tin vào phiếu điện tử trực tuyến (Webform). Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê.
Ông Ngô Ngọc Thế, Trưởng Phòng Thu thập thông tin Thống kê, Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra và phân tích thông tin thống kê đã đem lại hiệu quả. Chất lượng thông tin thống kê ngày càng được nâng cao, phục vụ kịp thời yêu cầu của các cơ quan đảng, chính quyền, các ngành và địa phương trong hoạch định, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội.
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hằng năm, Cục Thống kê tỉnh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, đã tổ chức thành công 2 cuộc tổng điều tra lớn trên địa bàn tỉnh, đó là Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng điều tra kinh tế năm 2021. Việc thực hiện điều tra với 100% bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (Webform), đây là thành công lớn của ngành thống kê nói chung và của Cục Thống kê tỉnh nói riêng.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập, thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai tốt các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh theo đúng phương án và kế hoạch đề ra, nhất là khâu kiểm tra, giám sát chặt chẽ thông tin đầu vào, phản ánh đúng hiện trạng và tình hình thực tế. Tiếp tục nâng cao công tác phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong nền kinh tế của tỉnh, phản ánh kịp thời và dự báo những biến động của từng ngành, từng lĩnh vực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để dự báo tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, của từng ngành, từng lĩnh vực, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.
Đơn vị cũng chia sẻ thông tin với các sở, ban, ngành, địa phương, góp phần từng bước bảo đảm tính thống nhất số liệu; phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả. Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công chức của ngành; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền và các đối tượng sử dụng thông tin khác theo đúng tinh thần “Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”.
Bài và ảnh: Chi Phạm