Sáng 8/6, tại Thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế về “Dữ liệu mở và Trí tuệ nhân tạo – Động lực tăng trưởng kinh tế”.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; đại diện Ngân hàng Thế giới; lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, với 3 phiên chủ đề về Dữ liệu mở, Trí tuê nhân tạo và Chương trình hành động về Năm dữ liệu 2023, các diễn giả đã chia sẻ về tác động của dữ liệu mở tới tăng trưởng kinh tế; xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong triển khai, đánh giá, đo lường dữ liệu mở; thảo luận về chính sách, cơ hội và thách thức dữ liệu mở ở các địa phương tại Việt Nam; trao đổi về các hiểu biết trong việc tối đa hóa giá trị của dữ liệu mở nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư phục vụ phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Cùng nhau hành động phát triển dữ liệu mở, nâng cao năng lực ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Hội nghị cũng bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung để cùng nhau hành động nhằm phát triển dữ liệu mở và nâng cao năng lực ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị mới của dữ liệu, hoàn thiện môi trường pháp lý để tạo điều kiện kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, xây dựng danh mục tài nguyên dữ liệu trong các ngành để thúc đẩy tích hợp, phát triển và sử dụng dữ liệu liên ngành, liên cấp, liên khu vực tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới.
Thứ ba, thực hiện một cách có hệ thống việc chia sẻ và mở dữ liệu công khai, tích tụ dữ liệu, tích hợp trung tâm dữ liệu, tạo ra các hệ sinh thái dữ liệu mở.
Thứ tư, đẩy mạnh phân loại, quản lý phân cấp dữ liệu, chia sẻ, sử dụng bảo mật dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành về năng lực bảo mật dữ liệu.
Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu trong toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển, sản xuất, vận hành và dịch vụ.
Thứ sáu, phát huy đầy đủ vai trò của các doanh nghiệp hàng đầu với tư cách là chủ thể nghiên cứu và phát triển dữ liệu. Các doanh nghiệp lớn chia sẻ cung cấp dữ liệu, thuật toán, sức mạnh tính toán và các tài nguyên khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ bảy, cùng chia sẻ, đóng góp và hợp lực để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Thứ tám, thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ, đưa các sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra nước ngoài.
Ra mắt Câu lạc bộ Dữ liệu mở
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cũng chia sẻ về Kế hoạch hành động năm Dữ liệu số quốc gia, bao gồm một số nội dung trọng tâm thúc đẩy dữ liệu mở; phát triển phiên bản mới Cổng dữ liệu mở quốc gia data.gov.vn; xây dựng Sổ tay hướng dẫn phát triển dữ liệu mở, đồng thời ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Dữ liệu mở.
CLB Dữ liệu mở hoạt động như một “lab” về dữ liệu mở, thúc đẩy đối tác công – tư, do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chủ trì. Các thành viên CLB bao gồm: trưởng phó các đơn vị liên quan đến quản lý, quản trị và phân tích dữ liệu; đại diện lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty The Farm, các thành viên đang công tác tại các Bộ, Ban ngành. CLB phối hợp công tác chặt chẽ với đơn vị chuyên môn là Cục Chuyển đổi số quốc gia.
Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.
Việt Nam cũng đang tích cực triển khai cung cấp dữ liệu mở. Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 81 trên 187 quốc gia về cung cấp dữ liệu mở, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Năm 2023 được Việt Nam xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy phát triển dữ liệu, tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam.