Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bình Thuận đang nỗ lực cải thiện môi trường du lịch theo hướng du lịch xanh.
Hướng đi tất yếu
Tổ chức Du lịch thế giới, Chương trình Môi trường của LHQ định nghĩa, du lịch xanh bao gồm các hoạt động du lịch có thể được duy trì lâu dài hoặc được thực hiện bền vững trong xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường. Nói một cách dễ hiểu, du lịch xanh là loại hình du lịch góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Loại hình này còn có tên gọi khác là “du lịch thân thiện với môi trường”.
Những năm qua, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng cao, nhưng có xu hướng chọn các loại hình thân thiện với môi trường. Chính vì thế, để đáp ứng xu hướng ấy, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã thực hiện giải pháp phát triển du lịch xanh hướng tới phát triển bền vững. Đây được coi là xu hướng tất yếu của phát triển du lịch trong tương lai.
Bình Thuận – cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng đã và đang triển khai hướng đi ấy. Điều này thể hiện trong hành động dựa trên thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu phát triển du lịch gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của tỉnh. Khẳng định quyết tâm hội nhập, hội tụ đủ các ưu thế để phát triển “du lịch xanh, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh”…
Thể hiện trong hành động
Nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa về bảo vệ môi trường như: chiến dịch Clean Up Day – ngày thứ năm đầu tiên mỗi tháng – ra quân làm sạch môi trường du lịch do Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức, nhằm kêu gọi cộng đồng dân cư và khách du lịch cùng ra quân làm vệ sinh, dọn dẹp rác thải tại các bãi tắm và các điểm tham quan du lịch; xây dựng tour liên kết 3 tỉnh, thành thuộc tam giác phát triển du lịch, tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong khu vực Đông Nam bộ đến khảo sát du lịch tại địa phương…
Cùng với đó, đề án xây dựng hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thu hút đầu tư; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, Wellness, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái biển, rừng đang được đẩy mạnh… Tất cả thể hiện nỗ lực thực hiện tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV). Nghị quyết đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10 – 12%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 – 11%. Còn đến năm 2030 phấn đấu đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 15 – 20%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12 – 13%.
Tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 – Hội tụ xanh hồi tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng thông tin: Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” có hơn 200 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, diễn ra xuyên suốt trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và 41 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, giới thiệu, quảng bá, đồng thời lan tỏa thông điệp đến với bạn bè và du khách muôn nơi về một Bình Thuận lấy phát triển xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi chủ đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 – Hội tụ xanh: Bình Thuận cần tập trung xây dựng các kế hoạch, chiến lược và quyết liệt trong hành động để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch xanh như chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2023.