Đầu năm 2024, nhiều đoàn du khách tấp nập dừng chân ở thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) – một trong những điểm đến nổi tiếng ở vùng biên giới.
Không chỉ là du lịch, nghỉ dưỡng
Thùy Linh từ TP HCM cùng đoàn gần 30 khách đã đi công tác kết hợp du lịch ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn. Sau những buổi làm việc căng thẳng, cả đoàn kết hợp du lịch, tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa; thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó với suối Lê Nin, núi Các Mác; chèo thuyền trên hồ Ba Bể…
Qua Cao Bằng, xe của đoàn đi xuyên con đường biên giới rồi tới Trạm Kiểm soát Thác Bản Giốc. Cả đoàn bồi hồi bước chân lên vạch biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, chụp hình ở cột mốc với cảm xúc khó tả. Những cô gái quanh năm ở thành phố nay có nhiều thời gian để trò chuyện với các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và lắng nghe người dân vùng biên kể về cuộc sống vừa mưu sinh vừa bám làng.
Còn chị Ngọc Thanh (ngụ quận 3, TP HCM) cũng vừa trở về sau chuyến du lịch vùng Đông Bắc, Tây Bắc. Trong lịch trình của chị có cả điểm đến lần đầu và nhiều nơi trở lại. Chị nhận thấy du lịch ở khu vực này đã phát triển nhanh, bài bản và thu hút khách hơn. Ở thác Bản Giốc, đường vào được đầu tư sạch sẽ và vẫn giữ được nét hoang sơ. Hồ Ba Bể khách đông hơn trước với sự trở lại của khách quốc tế sau đại dịch COVID-19. Tại các điểm dừng chân ở đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), đèo Pha Đin (Sơn La), người dân tấp nập buôn bán, giới thiệu đặc sản địa phương rất thân thiện, hiếu khách.
Địa hình các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc gắn liền với vùng phên giậu của Tổ quốc, là nơi hội tụ văn hóa đa dạng của người dân tộc thiểu số cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản làng, du khách còn thưởng thức tiếng khèn, tiếng sáo, các điệu múa của những chàng trai, cô gái vùng cao. Đặc biệt, họ dành nhiều thời gian để thưởng thức những món đặc sản hiếm thấy ở miền xuôi.
Gắn bó với vùng đất Đông Bắc, Tây Bắc từ nhiều năm qua, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng du lịch kết nối du khách với vùng biên giới, những cột mốc mà mỗi người Việt Nam có dịp ra thăm đều thấy cảm xúc dạt dào. Khách ngồi thuyền thong dong đi qua vùng đất nơi sông Đà, sông Gâm, Nậm Tao (sông Hồng) hùng vĩ vượt núi hay hòa mình vào bản sắc văn hóa của người dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Si La… với phong tục độc đáo chốn biên thùy.
“Những tour mới được mở hoặc bổ sung điểm mới như hành trình khám phá vùng biên viễn Tây Bắc qua các địa danh Thu Lũm, Kẻng Mỏ – Lai Châu, nơi sông Đà chảy vào đất Việt. Tour đi theo đường biên giới chinh phục núi Khoan La San, đến A Pa Chải – cột mốc giao điểm biên giới 3 nước, tạo ấn tượng đặc biệt tới du khách. Hy vọng những tour mới sẽ được nhiều đơn vị cùng góp sức, khuyến khích bà con bản địa cùng làm du lịch” – ông Dũng nói.
Khi ngân hàng làm “cầu nối vốn”
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo. Phát triển loại hình du lịch này không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ ông đã đi Sơn La – nơi vợ chồng Tráng A Chu (người Mông) làm du lịch cộng đồng. Dù là bản rất heo hút nhưng 60 phòng nghỉ homestay luôn kín khách, cho thấy tiềm năng du lịch cộng đồng rất lớn. Do đó, cần “vẽ” thêm cho bản đồ du lịch, mở rộng không gian du lịch mới.
Muốn du lịch vùng phên giậu đi xa hơn, cần sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, có quy hoạch, chiến lược phát triển bền vững. Để du khách đến và trở lại, không chỉ một vài hộ dân bản địa làm du lịch mà cần nguồn vốn tín dụng để đầu tư bài bản cơ sở lưu trú, nâng cấp điểm tham quan, đầu tư sản phẩm du lịch OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết những năm gần đây, Agribank luôn đồng hành, tạo đòn bẩy về nguồn vốn tín dụng đầu tư cho du lịch phát triển. Nhờ được tiếp sức từ vốn tín dụng, bà con làm du lịch có điều kiện đầu tư bài bản hơn, lượng khách đến luôn tăng.
Agribank cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách vay vốn đến người dân, đặc biệt là 7 chương trình cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như cho vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch…
“Từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, tại các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước đã hình thành những mô hình sản xuất – du lịch nông nghiệp hiệu quả và có tính bền vững. Nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm” – bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, chia sẻ.
Phát triển du lịch nông thôn tạo cơ hội cho cộng đồng giữ gìn di sản, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết du lịch nông thôn đang là xu hướng của thế giới. Đây là lợi thế của Việt Nam, cơ hội để khai thác trở thành ngành kinh tế lớn mạnh với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP. Cả nước hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP. Nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch OCOP với sự đồng hành từ nguồn vốn ngân hàng.
Tại Sơn La, chỉ trong thời gian ngắn được đầu tư đúng tầm, du lịch đã liên tiếp được vinh danh trong các bảng xếp hạng điểm đến quốc tế. Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết năm 2023, địa phương vượt mục tiêu thu hút khách đến nhờ sự ưu tiên nguồn lực đầu tư, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng.
Với vùng Đông Bắc, lãnh đạo Agribank chi nhánh Cao Bằng và Bắc Kạn cho biết cũng ưu tiên nguồn vốn tín dụng để góp phần thúc đẩy du lịch vùng biên giới. Khi được tiếp vốn, những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng sẽ hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, góp phần thu hút khách đến chi tiêu nhiều, lưu trú dài ngày… Theo bà Nguyễn Thị Phượng, ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Tỉ trọng đầu tư tam nông của Agribank chiếm gần 70% tổng dư nợ nền kinh tế, đóng vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.