Xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc và hấp dẫn
Một trong 7 giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024 được Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đó là phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng nhất là sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Có thể khẳng định, sản phẩm du lịch chất lượng chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút và giữa chân khách du lịch. Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2024, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu số lượng khách du lịch đạt trên 27 triệu lượt, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2024 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, ưu tiên tập trung vào một số nhóm giải pháp đột phá.
Trong đó, Sở Du lịch Hà Nội chủ động nghiên cứu, tham mưu, trình HĐND Thành phố một số cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm này trên địa bàn Thủ đô.
Sở cũng phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức điều tra, khảo sát nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành du lịch Thủ đô. Qua đó, xây dựng được các chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng các nhu cầu mới của du khách.
Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch mới, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, thực sự đặc sắc và hấp dẫn. Trong đó tập trung vào một số nhóm chương trình sản phẩm du lịch như: Phối hợp với các đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức các sự kiện, lễ hội âm nhạc lớn đặc sắc, hấp dẫn gắn với du lịch quốc tế; Phát triển tuyến du lịch đường thủy dọc khu vực sông Hồng.
Khai thác, làm sống dậy các điểm đến di sản thành các điểm đến du lịch độc đáo như xây dựng Bảo tàng bia khai thác khu vực nhà máy bia Hà Nội. Phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đêm: trong đó sẽ nghiên cứu phát triển khu tổ hợp trường đua F1 Quận Nam Từ Liêm thành tổ hợp du lịch, thể thao, vui chơi giải trí đêm đẳng cấp, hấp dẫn.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngành Du lịch thành phố sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện du lịch lớn xuyên suốt 1 năm, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Các sự kiện sẽ được tổ chức chuyên nghiệp, hấp dẫn với nhiều hoạt động mới thu hút khách du lịch: như trình diễn ánh sáng, biểu diễn bay Drone…
Bên cạnh đó là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật lớn của quốc tế đến Việt Nam, qua đó phát triển du lịch gắn với các sự kiện văn hóa tầm cỡ, chuyên nghiệp…
Theo ông Trần Văn Linh, Trưởng Phòng Quản lý du lịch – Sở Du lịch Kiên Giang, du lịch Kiên Giang trong những năm gần đây đã có bước phát triển nhanh, dần định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới như là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách; khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Linh, sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh mặc dù có quan tâm đầu tư nhưng chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn đối với du khách trong điều kiện mới. Hiện nay chỉ mới khai thác giá trị tài nguyên du lịch biển, đảo là chính; việc khai thác giá trị về văn hóa, lịch sử, di tích danh thắng khác phục vụ phát triển du lịch vẫn còn có mặt hạn chế.
Để du lịch phát triển nhanh, bền vững, Trưởng Phòng Quản lý du lịch – Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, tỉnh đang quyết tâm cải thiện, làm tốt các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch như chất lượng sản phẩm du lịch; công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, văn hóa ứng xử du lịch…, nhất là đối với các địa bàn du lịch trọng điểm Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên.
“Bên cạnh đó, phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương, sản phẩm du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc thù, độc đáo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng du lịch trong tỉnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Trần Văn Linh cho biết.
Đầu tư cho những sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa bản địa
Bà Phan Thị Thúy Dung (Tập đoàn Sun Group) cho rằng, chúng ta cần phải đầu tư cho những sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa bản địa, bởi văn hóa vẫn là giá trị cốt lõi đem đến cảm xúc khác biệt tại mỗi điểm đến và sự phát triển du lịch bền vững.
Theo đại diện tập đoàn Sun Group, gần đây, một số địa phương đã thí điểm phát triển du lịch văn hóa và đạt được những dấu ấn tích cực. Điển hình nhất là Phú Quốc vừa qua gần như đã có một cuộc “cách mạng” về môi trường du lịch cũng như làm mới sản phẩm, dịch vụ. Phú Quốc đã kiến tạo hàng loạt sản phẩm mới mẻ, đẳng cấp và hấp dẫn như công trình Cầu Hôn, show diễn Kiss of the Sea và show trình diễn pháo hoa nghệ thuật hàng đêm, Chợ đêm Vuifest và mới đây nhất là show trình diễn thể thao nghệ thuật dưới nước Jetski và show Rối Việt tại thị trấn Hoàng Hôn (phường An Thới).
Còn tại Sa Pa (Lào Cai), bên cạnh việc tạo nên những show diễn chất lượng mang đậm giá trị văn hóa Tây Bắc, Sun Group cùng địa phương đã kiến tạo Bản Mây, nơi phục dựng những ngôi nhà, lễ hội truyền thống, ngành nghề và những phong tục tập quán của 5 dân tộc thiểu số gồm: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó…
“Những sản phẩm văn hóa chất lượng ở Phú Quốc và Sa Pa của chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng những sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa bản địa là định hướng chung của chúng tôi tại các vùng đất khác trong thời gian tới”, bà Phan Thị Thúy Dung cho biết.
Cũng theo đại diện tập đoàn Sun Group, hiện nay, Việt Nam có một thế mạnh là nền ẩm thực đa dạng và đặc sắc ít quốc gia nào sánh bằng nhưng chưa được khai thác và phát huy xứng tầm để thúc đẩy phát triển du lịch. Năm ngoái, Sun Group đã đồng hành cùng Michelin về Việt Nam nhưng điều đáng tiếc là đến nay chưa thấy một tour du lịch ẩm thực Michelin nào.
“Mong rằng Chính phủ, các địa phương và cộng đồng đồng doanh nghiệp sẽ cùng quan tâm đầu tư cho các sản phẩm du lịch ẩm thực, đặc biệt là tour ẩm thực Michelin để tạo đà cho du lịch ẩm thực Việt Nam thăng hoa, vươn ra thế giới”, bà Phan Thị Thúy Dung nói.