Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu là đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên đến tháng 8/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,8 triệu lượt người, gần đạt mục tiêu đặt ra. Kể từ tháng 7 tới nay, lượng khách quốc tế luôn ở trên mức 1 triệu khách/tháng. Vì thế, ngành du lịch đã tự tin đặt ra mục tiêu mới là đón từ 12-13 triệu lượt khách quốc tế. Và nhiều khả năng mục tiêu này sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ.
Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Ảnh: TTXVN
Tín hiệu tích cực
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 7/2023, Việt Nam đón 1.038,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023, ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.
Xuất phát từ triển vọng tích cực đó, tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương, quyết liệt thúc đẩy đổi mới xúc tiến du lịch; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch.
Đến tháng 9/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt người, tiếp tục vượt mục tiêu đặt ra. Theo thông lệ nhiều năm, khách quốc tế đến Việt Nam vào mùa cao điểm sẽ từ tháng 10 năm nay sang tháng 4 năm sau. Do đó, Cục Du lịch Quốc gia đã chủ động đề xuất tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lượt người lên 12 đến 13 triệu lượt người.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, có 4 cơ sở để tăng mục tiêu đón 12 đến 13 triệu khách quốc tế năm 2023. Các cơ sở này bao gồm: Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới, trong đó thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ 30 đến 90 ngày có hiệu lực từ 15/8/2023; Chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới ngày càng hiệu quả; Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế; và Các thị trường lớn đã mở cửa trở lại và phục hồi, cũng là các thị trường truyền thống của Việt Nam, sẽ đem lại nguồn khách lớn.
Và đúng như dự báo của Cục Du lịch Quốc gia, trong các tháng sau đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục ở trên ngưỡng 1 triệu lượt/tháng, trong đó tháng 10 đón 1,11 triệu lượt, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, và tháng 11 đón hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng gần 11% so với tháng trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần.
Tháng 12 là tháng có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn nên du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá và nhiều khả năng mục tiêu mới sẽ được hoàn thành.
Khắc phục tồn tại để tạo đà bứt phá
Để đạt được những thành tích đáng khích lệ như trên, ngay từ đầu năm 2023, toàn ngành du lịch đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều chính sách phục hồi và phát triển du lịch, đồng thời các địa phương và doanh nghiệp cũng đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Tỷ lệ phục hồi khách quốc tế vẫn còn thấp hơn so với năm 2019. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/VNS
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, hoạt động du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực của ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới, sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương.
Mặt khác, công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ tết, hay hiện tượng chèn ép du khách. Đây là những thách thức “ngành công nghiệp không khói” cần vượt qua để du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, từ đó tạo ra nền tảng cho sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024./.
Mỹ Hà