Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để tạo ra các sản phẩm du lịch chung, phát triển các tuyến du lịch quốc tế, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh…
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. (Nguồn: baocongthuong) |
Tiềm năng thu hút du khách quốc tế
Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững. Nước ta có nhiều địa điểm đẹp, độc đáo, nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, nhiều di tích lịch sử văn hóa… Hiện Việt Nam có hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Nước ta cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận nhiều di sản như Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn… Hơn thế, Việt Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng… để thu hút khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng sẵn có. Theo nhiều chuyên gia, tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, còn khá đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền. Đồng thời, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa bài bản.
Không những thế, việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch chưa được thực hiện hiệu quả. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng kịp với xu hướng hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Campuchia khi các nước này đã có những chiến lược đầu tư, xúc tiến rất lớn nhằm gia tăng sức hấp dẫn đến các thị trường khách du lịch quốc tế.
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. (Nguồn: Baoninhbinh) |
Nhận diện thách thức lẫn thời cơ
Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế của người dân, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa và con người Việt Nam…
Theo Thủ tướng, tình hình du lịch thời gian qua khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt khách, là điểm sáng, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Tuy nhiên, du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Bên cạnh đó, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc nhiều năm qua. Do vậy, điều quan trọng, chúng ta phải nhận diện khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, phải đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tốt hơn.
TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, Việt Nam cần đổi mới sản phẩm du lịch, trải nghiệm văn hóa. (Ảnh: NVCC) |
Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo
Theo chuyên gia du lịch – sự kiện, TS. Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, cần thực hiện các biện pháp đổi mới sản phẩm du lịch, để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Trong đó, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, nhấn mạnh vào trải nghiệm văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch thể thao để thu hút đối tượng du khách đa dạng.
TS. Trịnh Lê Anh nói: “Cần nâng cao chất lượng các dịch vụ liên quan đến du lịch, từ giao thông và cơ sở lưu trú, ăn uống đến các hoạt động giải trí, để tạo ấn tượng tích cực cho du khách. Khuyến khích du lịch bền vững, đẩy mạnh các hoạt động du lịch bền vững, giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và địa phương, cũng như tăng cường giáo dục về du lịch có trách nhiệm”.
Đồng thời, tăng cường tiếp cận công nghệ, sử dụng công nghệ để cải thiện trải nghiệm du lịch, bao gồm cả ứng dụng di động, trang web thông tin du lịch và các giải pháp tiện ích thông minh. Tuy nhiên, không lạm dụng công nghệ làm mất đi tính chân thực của điểm đến và tài nguyên du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để tạo ra các sản phẩm du lịch chung và phát triển các tuyến du lịch quốc tế có thể thu hút đối tượng du khách rộng lớn. Bằng cách này, Việt Nam có thể tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch khu vực và quốc tế.
“Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt giúp các điểm đến duy trì xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh. Cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập”, TS. Trịnh Lê Anh chia sẻ.
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chú trọng vào du lịch bền vững và đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh và hội nhập, theo TS. Lê Anh có thể xem xét những biện pháp như sau: Một là, phát triển các chương trình đào tạo và huấn luyện chuyên sâu về du lịch bền vững, từ quản lý môi trường đến quản lý cộng đồng, nhằm nâng cao kỹ năng và nhận thức của nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tạo điều kiện để các chuyên gia du lịch học hỏi từ các lĩnh vực khác nhau như môi trường, văn hóa và kinh tế để có cái nhìn đa chiều và kỹ năng đa ngành.
Hai là, thiết lập các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho doanh nghiệp du lịch hướng về bền vững, có thể thông qua ưu đãi thuế, quyền lợi kinh tế, hoặc các chương trình khuyến khích đặc biệt.
Ba là, xây dựng sự hợp tác giữa ngành du lịch và các tổ chức nghiên cứu để nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực du lịch bền vững.
Bốn là, phát triển các tiêu chuẩn đánh giá và chứng chỉ cho các doanh nghiệp du lịch bền vững, giúp xây dựng uy tín và thu hút khách du lịch quan tâm đến vấn đề này.
“Bằng những cách trên, tôi tin ngành du lịch có thể đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo đúng cách và phát triển theo hướng bền vững. Từ đó, giữ vững danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hơn là chạy đua trong những danh hiệu ở các giải thưởng du lịch, vốn chỉ có tác động marketing ở giai đoạn đầu của tiếp cận thị trường”, TS. Trịnh Lê Anh nói.